Chị H.A, chủ shop quần áo trẻ em ở Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội), chia sẻ cuộc cạnh tranh về giá trên các sàn thương mại điện tử rất khốc liệt. Vì vậy, chị đa phần bán hàng giá rẻ thì mới có đơn.
Thách thức giá siêu rẻ
Với doanh nghiệp, dù đã có kinh nghiệm đưa sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… Song ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc VitaJean vẫn thừa nhận kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng xuyên biên giới không hề dễ bởi bài toán về giá.
Bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng nhưng cũng không dễ dàng với người bán hàng. |
Theo ông Việt, nếu bán theo giá chuẩn làm ra thì rất khó cạnh tranh, bởi sản phẩm của đối thủ chỉ bằng 1/3 của VitaJean. Ông Việt lấy ví dụ như chiếc quần jean, trên kênh thương mại điện tử, một số cửa hàng chỉ bán khoảng 200.000 đồng/cái, tương đương với chi phí đầu vào nguyên liệu vải để sản xuất quần jean tại VitaJean. Trong khi đó, để làm ra cái quần còn nhiều chi phí khác nữa.
Theo ông Việt, có mức giá bán rất thấp này là do các cửa hàng chủ yếu đặt các cơ sở gia công sử dụng vải tồn không còn phù hợp để sản xuất, hoặc họ lấy hàng hóa trôi nổi, hàng từ Trung Quốc chuyển sang không đảm bảo chất lượng, sớm phai màu, mau bị hỏng rách khi sử dụng… Trong khi đó, hầu hết khách hàng đều thích mua được hàng hóa giá thấp.
Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce) cho thấy, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 đã tăng 53,4% so với cùng kỳ 2022 – mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây. Cụ thể, doanh số năm 2023 đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, với 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được bán ra.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2023, thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử là 637.273, giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng thương mại điện tử mới.
Nguyên nhân đến từ các yếu tố khách quan như nền kinh tế còn chưa ổn định, bất ổn địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt... Đặc biệt, sự sụt giảm này còn do yếu tố chủ quan từ doanh nghiệp như lựa chọn sai thị trường mục tiêu, chạy theo sản phẩm xu hướng mà không có kế hoạch sản xuất/nhập hàng phù hợp…
Do tính chất cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, trong năm 2023, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường do tính cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
Thêm cạnh tranh với nền tảng xuyên biên giới
Song cũng trong quãng thời gian này, đã xuất hiện thêm hơn 95.000 nhà bán mới trên sàn TikTok Shop khiến thị trường trên các sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 cân bằng lại và giữ được nhịp độ sôi động. Dự báo trong năm 2024, doanh thu trên các sàn bán lẻ trực tuyến tiếp tục tăng mạnh ở mức 35%, đạt khoảng 310.000 tỷ đồng.
Làm sản phẩm áo dài may đo tưởng như rất khó bán hàng trực tuyến, nhưng chị Cao Thị Phương Lan, chủ tiệm áo dài Phương Lan vẫn quyết định tham gia bán hàng livestream trực tuyến trên một mạng xã hội. Chị Lan cho rằng, người mua thay đổi ít nhưng người bán phải thay đổi nhiều. "Với tôi gần như phải xác định thay đổi toàn diện, từ cách tiếp cận giới trẻ trên kênh online tới việc đảm bảo uy tín, đổi trả, chất lượng hàng hóa. Làm sao để khách hàng sẽ quay lại chọn sản phẩm của mình nhiều lần và được đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online", bà Lan nói.
Theo ông Phạm Bảo Trung, Giám đốc Kinh doanh nền tảng dữ liệu Metric, thực tế, nhiều khách hàng có nhu cầu mua hàng, mua ngay trực tiếp trên nền tảng đang giải trí, nhưng có người tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá, chất lượng, mẫu mã trên các kênh bán khác nhau. Điều này sẽ kích thích thị trường chung về thương mại điện tử Việt Nam phát triển.
Điều này cũng cho thấy xu hướng bán trực tuyến không bị đảo ngược quan trọng là cách tiếp cận, tạo lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh béo bở nhưng không dễ ăn này.
Ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, nhận định người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu phát hiện hàng không đạt chất lượng. Đồng thời, thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của kinh tế số.
Trong khi đó, ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về số lượng, chất lượng.
Đây là cơ sở khiến nhiều người nắm bắt để kinh doanh online. Trong thế giới hiện nay, doanh nghiệp không bán hàng online sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Thy Lê