Ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, hậu quả sau dịch COVID-19 kéo dài, những con phố từng sầm uất, tấp nập giờ đầy rẫy những biển hiệu cho thuê, rao bán. Là khu vực có giá thuê mặt bằng đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, thế nhưng nhiều chủ nhà trên các tuyến phố cổ như Hàng Bông, Cầu Gỗ… cũng đang nóng người tìm thuê.
Kênh truyền thống ế ẩm lạ thường
Trong khi đó, các chợ đầu mối ế ẩm như Đồng Xuân, Ninh Hiệp (Hà Nội), An Đông, Bình Tây (TP.HCM)… cũng trong tình trạng không khá khẩm hơn, thậm chí các tiểu thương ở đây rất bi đát, hàng hóa ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua. Tình cảnh ế ẩm xảy ra từ khi dịch COVID-19 kéo đến cho tới nay, tỷ lệ sang sạp chiếm tỷ lệ cao.
Trái ngược với thời kỳ hoàng kim, nhiều chợ đầu mối bán sỉ giờ rơi vào tình cảnh ế ẩm. |
Có ý kiến cho rằng, ngoài ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, lý do khác tác động đến kinh doanh truyền thống là do kinh doanh online lên ngôi.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc công ty CP Bagico, cho biết có nhiều nhà cung ứng hàng từ Trung Quốc vừa qua đã mở các kênh bán lẻ online ngay biên giới, ship hàng từ Lạng Sơn, Móng Cái về Hà Nội qua chợ điện tử, mạng xã hội. Nhiều chợ đầu mối như Long Biên, Ninh Hiệp ở trong tình trạng vắng bóng khách mua và tiểu thương không bán được hàng.
Theo bà, đây là tính tất yếu của xu hướng thương mại bán lẻ, bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử, nếu chậm chân, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh.
Vậy thương mại điện tử có đang “bóp nghẹt” chợ bán buôn truyền thống hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Trọng – Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dẫn chứng ở Mỹ - quốc gia phát triển, chúng ta vẫn thấy còn các cửa hàng hay còn gọi là store cực kỳ lớn. Trong thời kỳ kênh online lên ngôi, thì cũng cần duy trì các cửa hàng để người dùng có thể trải nghiệm sản phẩm. Khi thương mại điện tử phát triển nhanh thì kéo theo thương mại truyền thống vượt lên, chứ không có sự cạnh tranh mà hai phía sẽ đồng hành cùng phát triển.
Tất nhiên để đạt mục đích trên, thương mại truyền thống cần phải chuyển mình. Trả lời VnBusiness, ông Trọng cho biết như câu chuyện hiện nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa hàng hóa phân phối trực tiếp tới tay người tiêu dùng Việt Nam qua kênh thương mại điện tử, khiến các tiểu thương bán buôn ở trong nước rơi vào tình cảnh ế ẩm sẽ thấy công nghệ đang làm thay đổi kinh doanh thương mại như thế nào.
Ông Trọng nói: “Một khi mà mình nhập sản phẩm của họ về, vẫn bán truyền thống thì tất nhiên không thể cạnh tranh được về tất cả mọi mặt. Tại sao, chúng ta không chuyển mình sang kinh doanh các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế”.
Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ví dụ, một chai dầu gió bán trên Amazon có thể thu về gấp nhiều lần, thay vì chỉ bán trong nước. Điều đó thấy rõ sức mạnh của công nghệ online, nếu biết sử dụng hiệu quả sẽ là người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Bởi theo ông, trong một thế giới hội nhập, ai cũng phải thay đổi để thích nghi, tồn tại và đưa sản phẩm ra ngoài quốc gia của mình.
Ai cũng phải chuyển mình để tồn tại
Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc chính sách TikTok Việt Nam, nhìn nhận thương mại điện tử bản chất là kênh bán hàng nằm trong tổng thể của ngành bán lẻ. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cũng không phủ nhận rằng trong tổng thị trường bán lẻ thì kênh truyền thống tăng trưởng thấp hơn so với thương mại điện tử, điều này khiến các chợ truyền thống, tiểu thương gặp khó khăn.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Thanh cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tính đến hỗ trợ, phối hợp với các nền tảng để làm sao ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động kinh doanh truyền thống.
“TP.HCM vừa phối hợp TikTok làm chương trình hỗ trợ cho các kênh bán lẻ truyền thống, tăng cường hỗ trợ giúp các tiểu thương tiếp cận kênh bán hàng online. Ngay trong tháng 12 sẽ triển khai ngày hội thương mại truyền thống kết hợp với sàn thương mại điện tử. Đây là sự kết hợp để kênh bán lẻ truyền thống và online đều phát triển”, Giám đốc TikTok Việt Nam chia sẻ.
Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ngay bản thân kênh thương mại điện tử cũng cần phải chuyển mình mạnh mẽ. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, kênh online cũng cần phải chuyển sang một giai đoạn mới phát triển bền vững hơn, bởi không phải cứ phát triển nhanh là được.
Theo đó, phát triển bền vững đặt ra 3 trụ cột: phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, khi kinh tế phục hồi trở lại, doanh nghiệp thành lập mới nhanh, nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành tăng cao.
Trụ cột thứ 2 mà ông Trọng nhắc đến là thu hẹp khoảng cách số, tức là kênh mua sắm online vẫn tập trung thị phần khoảng 70% ở các thành phố lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM, trong khi nhu cầu ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa được phát triển.
Và cuối cùng là trụ cột phát triển xanh. Mua hàng online tiện lợi nhưng cũng đi kèm lượng rác thải rất nhiều sau mỗi đơn hàng. Nếu không có giải pháp cho vấn đề này, đến lúc nào đó cả cộng đồng sẽ quay lưng lên án thương mại điện tử vì ảnh hưởng tới môi trường.
“Ngày trước slogan – khẩu hiệu của thương mại điện tử là giao hàng nhanh trong 2 tiếng, nhưng giờ có khi đến lúc chậm lại để tính tới bài toán phát triển xanh. Người dùng có thể nhận hàng chậm hơn một chút để bao bì sản phẩm, vỏ bọc bên ngoài được chú trọng bằng các nguyên liệu bảo vệ môi trường, cũng như việc người dùng chấp nhận mất thêm phí để đảm bảo tăng trưởng xanh, phát triển thương mại điện tử bền vững”, ông Trọng nhấn mạnh.
Lê Thúy