Tuy nhiên, hoạt động đổi tiền mới vẫn diễn ra khá tràn lan trên “chợ” mạng. Hiện nay, theo một số quảng cáo trên các ứng dụng mạng xã hội (Google, Facebook, Zalo,...), phí đổi tiền mới cao, thấp tùy thuộc vào số lượng và mệnh giá. Mức phí phổ biến là từ 3-20%.
Nhân viên ngân hàng “ế” đổi tiền mới ngày Tết
Dịp Tết năm nay, nhiều nhân viên ngân hàng cảm thấy "nhẹ gánh" khi số lượng khách nhờ đổi tiền lẻ, tiền mới giảm mạnh so với mọi năm.
Anh Lê Thiều Sơn, nhân viên tín dụng một ngân hàng quốc doanh cho biết, năm nay chỉ có lác đác khách hàng nhờ anh đổi tiền mới. Không giống như các năm trước, từ 23 tháng Chạp, anh phải đau đầu khi khách hàng, người quen, bạn bè liên tục gọi điện đến nhờ đổi tiền mới.
Dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới nhộn nhịp trên "chợ" mạng dịp cận Tết. |
"Mọi năm, cứ cận Tết, tôi đến đau đầu khi mọi người nhắn tin, gọi điện thúc giục đổi tiền mới. Có ngày tôi phải nhận tới 10 - 15 cuộc gọi nhắn nhủ, dặn dò về chuyện này. Người thân quen thì không sao, chứ khách hàng mà từ chối không khéo là họ giận, năm sau sẵn sàng rút tiền gửi, chuyển sang ngân hàng khác ngay", anh tâm sự.
Chị Thu Châu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ từ Tết Nguyên đán năm trước, chị đã không còn chạy khắp nơi tìm đổi tiền mới để làm quà mừng tuổi nữa, vừa mất công mất sức, lại còn tiếp tay cho những kẻ trục lợi. “Năm nay, kinh tế khó khăn, thu nhập sụt giảm nên khoản chi cho mừng tuổi Tết cũng sẽ co hẹp lại nên nhu cầu đổi tiền mới lại càng không cần thiết đối với gia đình tôi. Tôi vẫn mừng tuổi cho người thân bằng tiền, nhưng thay vì tiền mặt thì chuyển khoản số tiền đẹp mang ý nghĩa tài lộc như 9999, 8888, 6666…”, chị Châu cho hay.
Trong khi đó, anh Hoài Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn muốn duy trì phong tục lì xì bằng tiền mặt trong dịp Tết. Mọi năm, dịp cận Tết, anh thường đổi khoảng 20 triệu tiền mới các mệnh giá, nhưng năm nay thu nhập giảm sút nên anh chỉ đổi 6 triệu tiền mới với 2 mệnh giá là 50.000 đồng và 20.000 đồng, tương ứng với mức phí đổi là 7% và 15%.
Theo khảo sát của VnBusiness, mặc dù nhu cầu đổi tiền mới đã hạ nhiệt so với những năm trước, song trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo..., dịch vụ đổi tiền được quảng cáo rầm rộ và thu hút đông đảo thành viên tham gia. Chỉ cần gõ tìm kiếm “đổi tiền lẻ, tiền mới”, sẽ hiện ra hàng loạt các trang rao dịch vụ này; nhiều hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới có tới 20 – 30 nghìn thành viên.
Phí đổi tiền mới tùy theo mệnh giá, càng nhỏ thì phí càng cao. Tiền mệnh giá 2.000 đồng và 5.000 đồng phải trả phí 10%; 10.000 đồng: 8%; 20.000 đồng: 15%; 50.000 đồng: 7%; 100.000 đồng: 4%; 200.000 đồng: 3%.
Riêng với mệnh giá nhỏ hẳn là 500 đồng và 1.000 đồng, phí sẽ thay đổi tùy vào số lượng. Hiện, phí đổi tiền mệnh giá 500 đồng là 300.000 - 400.000 đồng cho 100 tờ; tiền mệnh giá 1.000 đồng có phí 20%.
Giải thích vì sao mức phí đổi tiền năm nay cao hơn hẳn mọi năm, một số đầu mối đổi tiền cho biết do năm nay lượng tiền mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra rất ít, các đầu mối cũng khó đổi với số lượng lớn. Một đầu mối lớn tại Hà Nội than phiền "từ Tết dương lịch đến nay toàn ngồi chơi không vì tiền mới khan, nhất là tiền mệnh giá 20.000 đồng hầu như tàng hình".
Tuy nhiên, đổi tiền mới qua mạng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chị Hương Dịu (Hà Nội) cho biết do có nhu cầu cần tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, chị đã lên mạng tìm đổi, với mức phí 20%. “Lúc trao đổi, người đổi tiền khẳng định tiền mới 100% có sêri, song khi nhận tiền thì phía bên trong “độn” rất nhiều tiền cũ. Cũng may, tôi chỉ đổi một khoản tiền nhỏ, và cũng do nhu cầu cần gấp, nên tôi phải chấp nhận thiệt hại. Tuy nhiên, bài học cho thấy đừng đặt niềm tin vào những lời cam kết trên mạng”, chị Dịu chia sẻ.
NHNN không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng
Các chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố kinh tế khó khăn, thu nhập giảm khiến khoản chi cho lì xì Tết của người dân giảm, thì xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt bùng nổ đã góp phần giảm tình trạng đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Nguyên đán.
Theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 24/7, thanh toán quét mã QR.
Riêng trong năm 2023, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch. Tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Trong khi đó, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022.
NAPAS đã triển khai các giải pháp tăng cường năng lực xử lý của hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn kể cả trong các thời gian cao điểm với số lượng giao dịch có sự tăng cao.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, NHNN vẫn tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới. Trên thực tế, NHNN đã thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng vào dịp Tết Nguyên đán trong gần 10 năm trở lại đây. Đồng thời, nghiêm cấm cán bộ, các tổ chức ngân hàng lợi dụng, tiếp tay, cung cấp tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, kể cả việc lựa chọn những đồng tiền đã qua lưu thông nhưng còn mới để tập hợp thành thếp, bó...
Sở Giao dịch NHNN cũng được yêu cầu tuyệt đối không được đổi tiền mới in cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. Cán bộ nào có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Về hành vi đổi tiền trái quy định, một lãnh đạo NHNN cho biết, theo điều 12 và điều 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN, các hành vi thu đổi tiền mới, tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật.
Các hành vi này có thể bị xử phạt từ 20 - 40 triệu đồng đối với cá nhân, 40 - 80 triệu đồng đối với tổ chức (theo khoản 5 điều 30 mục 8 chương 2 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Huyền Anh