Nga là nhà cung cấp phân bón chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới, đặc biệt Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, xung đột Nga - Ukraine đang ảnh hưởng rất lớn tới giá, nguồn cung của thị trường phân bón.
Giá phân bón tăng phi mã lần thứ ba trong 50 năm
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng phi mã, lần tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây.
Đợt tăng giá phi mã thứ nhất xảy ra vào cuối những năm 1960 đầu những năm 1970 khi có Cách mạng Xanh trong nông nghiệp, đợt tăng giá phi mã thứ hai xảy ra vào năm 2007-2008.
Giá phân bón tăng cao là cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất nhưng cũng cần chia sẻ lợi nhuận với nông dân trong nước. |
Nguyên nhân tăng giá phân bón bao gồm: giá dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh, trong khi chi phí này nhiều khi chiếm 70 - 90% chi phí sản xuất.
Vinacam (doanh nghiệp chuyên nhập khẩu phân bón) cho hay với giá Urea, các bản chào ở mức 540-560 USD/tấn giao dịch theo hình thức FOB đều đã bị hủy. Hiện, các nhà cung cấp ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4, và mới nhất ngày 3/3, nhà máy Urea hạt đục của Brunei tuyên bố lý do bất khả kháng để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2. Riêng Việt Nam chỉ duy nhất có khoảng 3 tàu đã nhận hàng thành công, còn khoảng 30.000-40.000 tấn đã bị loại trừ. Các nhà cung cấp Trung Đông quyết định tạm dừng các bản chào để theo dõi diễn biến thị trường. Các nhà cung cấp Trung Quốc sẽ đứng ngoài cuộc chơi ít nhất đến tháng 6 và nguồn hàng từ Nga, Ukraine thì không còn cửa ra thế giới do cấm vận và tình hình chiến sự tiếp tục leo thang...
Trong ngắn hạn, Vinacam lo ngại có nhiều cơ sở để tin rằng giá Urea sẽ sớm quay trở lại mức 800 USD/tấn trong tháng 4, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu lên 150 USD/thùng.
Còn giá DAP, với sự ảnh hưởng mạnh mẽ của xung đột Nga - Ukraine cùng với các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo, giá DAP sẽ sớm tăng do mất nguồn cung quan trọng từ Nga. Dự báo giá DAP sẽ trở lại mức 950 USD/tấn trong tháng 4 và khả năng sớm cán mức 1.200 USD/tấn, thậm chí 1.500 USD/tấn khi thị trường Brazil có nhu cầu trở lại.
Hay với giá Kali, các nhà cung cấp đều khẳng định Kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới sẽ vắng bóng hàng từ Nga, Belarus... Theo đó, mức giá có thể leo lên con số từ 800-850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miểng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200-1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Tại thị trường nội địa, Vinacam lo ngại sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng DAP 64% nhập khẩu trong quý II và khả năng giá trong nước lên 25.000.000 đồng/tấn là không thể đảo ngược.
Với giá Urea, giá sẽ trở lại mức 18.000.000 đồng/tấn như mức đỉnh của năm 2021. Đồng thời do phụ thuộc hoàn toàn nhập khẩu nên giá Kali sẽ sớm cán mức 15.000.0000 -16.000.000 đồng/tấn cho hạt bột và 18.000.000 - 20.000.000 đồng/tấn cho hạt miểng. Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 1.2000 USD/tấn thì Kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24.000.000 -25.000.000 đồng/tấn.
"Kali, DAP, Urea tăng giá thì sẽ kéo theo giá NPK song hành. Câu hỏi được đặt ra lúc này là giá phân bón rồi sẽ tăng đến đâu? Thật khó có câu trả lời chính xác nhưng có lẽ phải chờ đến thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine được ký và phương Tây xóa bỏ các lệnh trừng phạt", ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinacam chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng nếu các cơ quan quản lý nhà nước bỏ thuế nhập khẩu và thuế phòng vệ, hạn chế xuất khẩu, tình hình Urea và DAP chắc chắn sẽ giảm nhiệt.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội nhưng cũng là nhiệm vụ
Còn theo ông Phùng Hà, giá phân bón cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thu nhập của bà con nông dân. Chi phí từ phân bón, tùy thuộc loại cây trồng, tùy thuộc thời tiết, tùy thuộc thổ nhưỡng, dao động từ 30-60% giá trị vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp.
Để tìm cách giảm chi phí, trồng trọt có lãi, bà con nông dân đã và đang tìm cách thay thế, sử dụng các loại phân bón khác rẻ hơn, hợp lý hơn, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thực hiện khuyến cáo của Bộ NN&PTNT về "5 đúng" khi bón phân: Bón đúng chủng loại phân; Bón đúng nhu cầu sinh lý của cây; Bón đúng nhu cầu sinh thái; Bón đúng vụ và thời tiết; Bón đúng phương pháp.
Trước những biến động về giá phân bón như trên, ông Phùng Hà cho rằng việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực như: Urea, DAP, Supe lân, lân nung chảy, nitrat amon, NPK, trong khi phân SA và Kali phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.
"Năm 2021, các công ty thuộc Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Dầu khí, Công ty Apromaco, Công ty Tiến Nông, Công ty Phân bón Hà Lan, Công ty Phân bón Việt Nhật, Công ty Phân bón Ba Con Cò, Tập đoàn Quế Lâm, Tổng công ty Phân bón Sông Gianh, Nhà máy Amon Nitrat của Tổng công ty Hóa chất mỏ thuộc TKV)… đều đạt kết quả sản xuất khả quan. Đây thực sự vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước", ông Phùng Hà nhấn mạnh.
Trên thực tế, năm 2021, nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn do giá phân bón tăng cao khi nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung giảm mạnh. Đơn cử, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán DCM) ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng; lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020. Đạm Phú Mỹ vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2% lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ cao nhất trong 10 năm qua.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau - Đạm Cà Mau (mã chứng khoán: DCM), năm 2021 đạt tổng doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.820 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và gấp gần 3 lần so với năm 2020. Với kết quả trên, Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu doanh thu và vượt 110% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù công ty vừa mới điều chỉnh nâng hai chỉ tiêu này gấp 4 lần kế hoạch cũ.
Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính doanh thu hợp hợp nhất năm 2021 đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020...
Rõ ràng trong bối cảnh làm ăn có lãi, các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ lợi nhuận với người nông dân. Bởi như lời của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Nếu tất cả mọi chi phí đầu vào tăng hết cả, người nông dân không sản xuất nữa thì lấy đâu ra nguyên liệu, đâu ra khách hàng cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà dẫn chứng một số quốc gia có những chính sách điều tiết, hỗ trợ để người nông dân không phải chịu giá phân bón quá cao. Ví dụ như Ấn Độ, quốc gia có 60% dân số sống trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào nông nghiệp, Chính phủ nước này đã có các chính sách hỗ trợ cho các công ty sản xuất phân bón để họ bán sản phẩm cho người nông dân thấp hơn giá thị trường.
Trước tình trạng vật tư nông nghiệp tăng mạnh, lợi nhuận từ trồng trọt sẽ giảm nhiều, bà con nông dân rất mong giá phân bón sớm giảm mạnh để tạo điều kiện cho họ giảm chi phí sản xuất và đảm bảo thu nhập trong vụ Hè Thu 2022 và các vụ sản xuất tiếp. Vì vậy, ông Hà cho rằng ngoài các biện pháp đang thực hiện, Việt Nam cũng nên tính tới những chính sách cụ thể hỗ trợ để bà con nông dân mua được phân bón ở mức giá canh tác, trồng trọt có lợi nhuận phù hợp.
Nhật Linh