Chia sẻ tại tọa đàm "Đầu tư và Thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động: Doanh nghiệp cần làm gì", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC), đại biểu Quốc hội đánh giá, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế có độ mở rất cao, so với các nước ASEAN nước ta chỉ sau Singapore, như Indonesia là một nền kinh tế chỉ có 26% về xuất khẩu, còn nước ta thì trên 200%".
TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. |
"Có thể nói dưới những tác động của kinh tế thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi đổi mới", TS. Lộc nhìn nhận.
Số liệu tăng trưởng quý I đã chứng minh điều đó. Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt hơn 3%, ở mức độ rất thấp, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế suy giảm. Lần đầu tiên tăng tưởng của doanh nghiệp thấp như vậy vì số doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp ra đời. Các doanh nghiệp đang hoạt động phải thu hẹp quy mô, giảm hiệu suất kinh doanh, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, khả năng thanh khoản yếu, tiếp cận tín dụng rất khó khăn.
Nói một cách tổng thể, TS. Lộc cho rằng, niềm tin kinh doanh giảm, đang duy trì ở mức thấp, những nỗ lực cải cách trong các năm qua do tác động của COVID-19 đang bị chậm lại, khu vực tư nhân suy yếu, xuất khẩu khó khăn, đó là những dấu hiệu không vui cho tình hình kinh tế ở Việt, đặc biệt trong 2 tháng đầu năm.
Theo TS. Lộc, khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang suy yếu đó là một chỉ báo rất đáng báo động, đặc biệt là trong tháng 1, tháng 2 năm nay. Cuối tháng 3, đầu tháng 4 tín hiệu đã lạc quan hơn, số lượng doanh nghiệp đã tăng trưởng trở lại, không còn tăng trưởng âm nữa và chúng ta hy vọng rằng vào quý III và quý IV cuối năm tình hình sẽ khả quan hơn, có bước tăng trưởng mạnh hơn.
"Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào diễn biến của thị trường thế giới. Triển vọng kinh doanh, chúng ta đang trong một thế giới mới 'không có bản đồ', như thuyền đi không có hải trình", ông Lộc nói.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp phục hồi, hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư công, các chính sách pháp lý, các dự án tài phán tiền tệ cần được thúc đẩy một cách linh hoạt hơn.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thy Lê