Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 vừa diễn ra của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), lãnh đạo công ty cho biết, trong năm nay công ty đặt mục tiêu sử dụng 30 - 35% nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng.
Khó khăn đè nặng ngành xi măng
Theo ông Lưu Đình Cường, Tổng giám đốc Vicem Hà Tiên, trước thời điểm tăng giá than vào tháng 2, tháng 3/2022, tỷ trọng than chiếm từ 40 - 45% giá thành sản xuất clinker (tùy từng đơn vị và tùy giá than tại những thời điểm khác nhau) còn giá điện chiếm 10%. Tuy nhiên, trong năm 2022 và hiện nay, giá than đã chiếm tới 56% giá thành sản xuất, còn tỷ trọng của giá điện chiếm tới 35%.
Với chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, khi đó tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép có thể giảm tối đa là 15%. |
Cần nhắc thêm, trong báo cáo tài chính quý 1/2023 vừa công bố của Vicem Hà Tiên cho thấy doanh thu thuần gần 1.700 tỷ đồng và lãi gộp 76 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 54% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, biên lãi gộp của công ty này giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 4%. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng giá vốn bán hàng khiến lợi nhuận tiếp tục giảm. Tính ra, trong quý 1/2023 Xi măng Hà Tiên lỗ kỷ lục 86 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 25 tỷ đồng.
Còn với CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), trong báo cáo tài chính quý 1/2023 công bố hôm 4/5 cho thấy, lợi nhuận trước thuế đã giảm so với quý 1/2022 là 155,49% (tương ứng với 136,19 tỷ đồng) và chuyển từ lãi sang lỗ. Nguyên nhân sụt giảm được xác định do doanh thu bán hàng giảm 28,31%, giá vốn bán hàng giảm 19,74%, trong khi chi phí tài chính lại tăng đến 44,4%.
Trong đại hội cổ đông 2023 mới diễn ra của BCC có thông qua chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cho năm nay chỉ đạt hơn 40 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2022 (đạt hơn 91 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Hoành Vân, Tổng giám đốc BCC, thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển tăng cao.
Bên cạnh đó, như lưu ý của ông Vân, nhu cầu sử dụng xi măng bao đang đang dần thấp hơn xi măng rời, tiếp tục làm giảm lợi thế về thương hiệu của xi măng Vicem Bỉm Sơn, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong báo cáo mới phát hành về “tác động giá điện tăng 3%” từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán Mirae Asset, ngành xi măng đã được “chỉ tên” là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực, cụ thể là tác động giá vốn hàng bán của một số doanh nghiệp (DN) từ động thái tăng giá điện lên 3% của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ tháng 5/2023.
Đừng để “ngụp lặn” trong thua lỗ
Theo chuyên gia của Mirae Asset, riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những DN lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Cụ thể, tỷ trọng chi phí điện/giá vốn hàng bán của lĩnh vực xi măng là 14%. Sau khi tăng giá điện 3% thì thay đổi giá vốn hàng bán ở lĩnh vực này sẽ là 0,4%.
Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, DN ngành xi măng không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Giới phân tích ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của ngành này có thể giảm 13%.
Không chỉ lĩnh vực xi măng, phía Mirae Asset còn đề cập đến ngành thép trước tác động của tăng giá điện. Theo ước tính, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với DN sản xuất thép.
Cụ thể, tỷ trọng chi phí điện/giá vốn hàng bán của ngành thép là 10%. Sau khi tăng giá điện 3% thì thay đổi giá vốn hàng bán ở lĩnh vực này sẽ là 0,3%.
Giới phân tích đưa ra giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, DN không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng thì với chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, khi đó tổng lợi nhuận trước thuế của ngành thép có thể giảm tối đa là 15%.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN trong ngành thép và xi măng.
Điều đáng nói, sau hai quý cuối năm 2022 “ngụp lặn” trong thua lỗ, bức tranh lợi nhuận của các DN ngành thép trong quý 1/2023 đã có dấu hiệu chớm hồi phục khi một số “ông lớn” báo lãi trở lại và những DN nhỏ hơn cũng vơi dần khoản lỗ.
Vậy nhưng, việc tăng giá điện 3% như “cú nhồi” vào giá vốn cao và chi phí tài chính lớn tiếp tục sẽ là “gánh nặng” với các DN ngành thép. Cần nhắc lại, như hồi quý 4/2022, 14 DN thép kinh doanh dưới giá vốn, trong đó những “ông lớn” như Hòa Phát, Thép Pomina, Thép Nam Kim,... lỗ gộp lên tới 1.810 tỷ đồng, trong đó, Hòa Phát đóng góp hơn 885 tỷ đồng. Bởi lẽ, phần lớn các DN thép đều chịu tình cảnh chung trước biến động giá nguyên liệu đầu vào, tăng giá vốn và nhu cầu đầu ra suy yếu.
Theo giới chuyên gia, nếu các DN trong lĩnh vực thép và xi măng có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào. Thế nhưng việc chuyển chi phí sang người tiêu dùng không phải là điều dễ dàng gì trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Còn trước mắt, chắc chắn các DN sản xuất xi măng và thép sẽ phải “cân đo đong đếm” trước việc tăng giá vốn hàng bán và giải bài toán lợi nhuận để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh từ việc tăng giá điện.
Thế Vinh