Qua hơn 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, trong bối cảnh kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do dịch COVID-19 và xung đột kinh tế toàn cầu, Việt Nam lại nổi bật lên với năng lực “chống chịu và trụ hạng”.
'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'
Nhưng, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một cách nghiêm khắc và nghiêm túc, để duy trì triển vọng đó, vấn đề không phải là kiểm đếm thành tích để tự hào. Quan trọng hơn là phải nhận diện đúng thực trạng, chỉ ra được các điểm yếu, điểm nghẽn và tình trạng “có vấn đề” của nền kinh tế, đặc biệt, của khu vực kinh tế tư nhân, cùng các nguyên nhân.
Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu DN. |
Tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 684.300 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Bình quân một DN tư nhân chỉ thu hút 13 lao động, thấp hơn rất nhiều so với khu vực DN Nhà nước (512,4 lao động) và khu vực FDI (229 lao động)
Về vốn, bình quân một DN Nhà nước có quy mô vốn 5.300 tỷ đồng; DN FDI - 420 tỷ đồng, còn DN tư nhân chỉ 43,8 tỷ đồng. Đáng lưu ý là về cơ cấu, số vốn nhỏ bé này của DN tư nhân lại tập trung chủ yếu ở 3% số DN tư nhân, còn số DN vừa và nhỏ có quy mô vốn chỉ 10-12 tỷ đồng.
Khoảng 97% số DN đang hoạt động trong nền kinh tế là “nhỏ và vừa”, trong đó tuyệt đại đa số là DN tư nhân. Trong số DN nhỏ và vừa, 50% có doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm, 13% có doanh thu từ 3 đến 10 tỷ đồng/năm, đều thuộc hạng “siêu nhỏ”. Số DN có doanh thu trên 300 tỷ đồng/năm chưa đến 1%.
“Đó là bức chân dung DN Việt sau gần 40 năm chuyển sang kinh tế thị trường trong thế đi sau, mở cửa và hội nhập mạnh mẽ – với tuyệt đại đa số chủ thể “nhỏ và vừa”, trong đó “nhỏ li ti” chiếm phần đông đảo nhất”, ông Thiên đánh giá.
Theo điều tra của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), giai đoạn 2016-2020, một DN tư nhân Việt Nam điển hình có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Về cơ cấu ngành, số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo - nền tảng của công nghiệp hóa, trụ cột của sự hùng cường kinh tế - chỉ chiếm 14%. Đa số DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng.
Bằng cả lý thuyết và kinh nghiệm, ông Thiên đánh giá dễ nhận ra rằng một nền kinh tế chuyển đổi quy mô 100 triệu dân nhưng chỉ với một số ít DN tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là công nghiệp, thực sự sẽ khó có triển vọng trở thành một nền kinh tế hùng mạnh, có sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế toàn cầu mở.
Đáng lo ngại, dịch bệnh, tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đang khiến phần lớn DN tư nhân trong nền kinh tế đối mặt với các rủi ro, thiếu hụt đơn hàng, dừng hoạt động, thanh lý tài sản… Theo Tổng cục Thống kê, số DN rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm nay là 77 nghìn DN, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Trong bối cảnh này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, đặt ra mục tiêu hỗ trợ và phát triển DN chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Đồng thời, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu DN; 8.000 – 10.000 hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.
Có quan điểm cho rằng, mục tiêu 1,5 triệu DN là khá thách thức khi trước đó, chúng ta đã hụt con số 1 triệu DN vào năm 2020 do gặp tác động rất lớn từ đại dịch COVID-19. Tuy vậy, nếu có giải pháp, hướng đi đúng đắn, mục tiêu này thậm chí có thể đạt và vượt, bởi trải qua khó khăn, bản lĩnh của DN Việt Nam sẽ được nâng lên.
Hướng đến mục tiêu 1,5 triệu DN
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, các DN tư nhân hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất còn đơn giản, năng suất lao động thấp dẫn đến chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn, có năng lực tài chính, dám đổi mới cập nhật công nghệ tiên tiến cũng đã cải thiện khả năng cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, đa dạng hóa sản phẩm và nhạy bén với thị trường.
Vì vậy, bà Nga cho rằng, để tiến kịp DN tư nhân thế giới, muốn được ghi nhận thì DN trong nước càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Phần lớn các DN Việt Nam đang gặp phải những hạn chế về năng lực cạnh tranh, yếu tố quản trị, phát triển con người và đặc biệt là thiếu tính tuân thủ - kỹ luật.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên đánh giá, tình thế của nền kinh tế nói chung cũng như khu vực DN trong 3 năm 2020-2022 mang tính chỉ báo rất cao. Một mặt, cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt của khu vực DN tư nhân Việt Nam trước các cú sốc và tình trạng bất thường, bất ổn. Mặt khác, nó chỉ rõ thực lực còn yếu của khu vực kinh tế “bản địa”, làm bộc lộ những điểm yếu cấu trúc không thể coi thường của nền kinh tế.
“Với cách tiếp cận tích cực, thực trạng nghịch lý và gay gắt đó lại mở ra những cơ hội mang tính lịch sử để nhận diện lại tình thế phát triển, xác định các cơ hội tái cơ cấu, đổi mới thể chế và thúc đẩy công cuộc đổi mới – sáng tạo”, ông Thiên cho biết.
Theo đó, ông Thiên nhấn mạnh quan điểm “biến” Việt Nam thành tọa độ hội tụ các nguồn lực phát triển hiện đại để đẩy nhanh sự phát triển của các DN Việt, tạo các điều kiện để sự hội tụ đó chuyển hóa thành sức mạnh, thành lợi ích phát triển của Việt Nam.
Đồng thời, cần nhấn mạnh khía cạnh phát triển lực lượng DN thông qua việc xây dựng và phát triển các chuỗi – mạng sản xuất do DN Việt Nam làm chủ. “Học kinh nghiệm thành công của các nền kinh tế Đông Á đi trước, đưa quan điểm phát triển các DN/tập đoàn kinh tế tư nhân “bản địa” lên tầm mức mới, trong bối cảnh mới đang diễn ra, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển kinh tế thời đại công nghệ cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế", ông lưu ý.
Lê Thúy