Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu dầu của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh hơn dự báo, có thể tạo áp lực thêm cho thị trường và kéo giá lên cao hơn khi nguồn cung khó theo kịp.
Nhu cầu dầu của Trung Quốc tăng mạnh
Theo WSJ, trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng được công bố mới đây, IEA đã nâng dự báo về nhu cầu mua dầu trong năm nay lên kỷ lục 102 triệu thùng/ngày, tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dự kiến chỉ đạt trung bình 101,1 triệu thùng/ngày, dù nhiều hơn 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022.
Một tàu chở dầu cỡ lớn cập bến tại một cảng ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. |
IEA cho biết, Trung Quốc chiếm phần lớn mức tăng, với 60%. Tiêu thụ dầu thô tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng lập kỷ lục với 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Do đang trong quá trình vực dậy nền kinh tế sau nhiều năm áp dụng chính sách "Zero COVID-19", nên Bắc Kinh cần năng lượng để vận hành ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ.
Trái với nhu cầu dầu bùng nổ ở Trung Quốc, lãi suất cao và lạm phát kéo dài đang kìm hãm nhu cầu về dầu ở các quốc gia phát triển. Những nỗ lực của chính phủ các nước phương Tây nhằm từ bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm cũng đang làm tăng thêm khoảng cách về nhu cầu sử dụng dầu.
Trong khi đó, nhu cầu dầu tại các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ chỉ tăng 350.000 thùng/ngày trong năm nay, chiếm khoảng 16% tổng mức tăng trưởng nhu cầu dầu dự kiến...
Khi nhu cầu tăng lên trong năm nay, IEA dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt lớn do các nhà sản xuất “vàng đen” phải vật lộn để theo kịp.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ tháng này bắt đầu cắt giảm sản xuất hơn 1 triệu thùng mỗi ngày. Các hãng dầu ở Mỹ cũng ngần ngại đầu tư vào sản xuất mới.
Bất chấp những dự báo của IEA về thị trường dầu đang nóng lên, giá dầu thô vẫn giảm, giải tỏa một số áp lực cho các nền kinh tế và người tiêu dùng đang phải vật lộn với lạm phát cao.
Những lo ngại về bất ổn của hệ thống ngân hàng Mỹ là vấn đề mới nhất ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến giá dầu thô. Trong khi đó, nguồn cung từ Nga vẫn mạnh hơn dự kiến, khiến giá dầu tiếp tục giảm.
IEA cho biết, xuất khẩu dầu của Nga đạt 8,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, mức cao nhất kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, do Moscow dường như không tuân thủ đầy đủ kế hoạch cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày.
Sau lần chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 trong tháng này, giá dầu thô Brent bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Ngày 18/5, giá dầu thô Brent tăng 2,05 USD, tương đương 2,7%, lên 76,96 USD/thùng; dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,97 USD, tương đương 2,8%, lên 72,83 USD/thùng.
“Mất ăn mất ngủ” với nguồn cung
Trong bối cảnh đó, nhiều nhà phân tích kỳ vọng giá dầu thế giới sẽ tiếp tục đà phục hồi trong năm nay sau dự báo về nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc và thâm hụt ngày càng tăng từ IEA, cùng các nhà dự báo năng lượng lớn khác như OECD và OPEC.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra là với dự báo diễn biến giá dầu thế giới như vậy sẽ tác động như thế nào tới tình hình cung ứng xăng dầu ở Việt Nam?
Trước tiên, hãy phân tích tình hình thị trường xăng dầu Việt Nam, sau phiên điều hành ngày 11/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương, giá xăng giảm mạnh tới 1.320 đồng/lít so với phiên điều hành trước, trong khi giá dầu giảm trong khoảng 556 - 647 đồng/lít, kg.
Cần phải nhắc lại, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 14 lần điều chỉnh, trong đó có 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Một số dự báo cho thấy giá xăng dầu tại kỳ điều hành tới (21/5) sẽ tăng nhẹ.
Rõ ràng, việc giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại như phân tích ở trên sẽ tác động đến giá xăng dầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những vấn đề từ nguồn cung trong nước cũng rất đáng quan tâm.
Cụ thể, nguồn xăng dầu sản xuất trong nước được cung cấp chủ yếu bởi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Mỗi năm, 2 nhà máy này cung ứng ra thị trường 10-13 triệu m3/tấn xăng dầu thành phẩm các loại.
Với nhu cầu tiêu dùng cả nước mỗi năm 20,5 - 21 triệu m3/tấn, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 70%, 30% còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất vì khó khăn tài chính khiến lượng xăng dầu nhập khẩu tăng lên do phải bù đắp nguồn thiếu hụt từ nhà máy này.
Còn nhớ, hồi cuối tháng 4 vừa qua, trong báo cáo khẩn gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn một lần nữa nhấn mạnh rủi ro dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hôm 18/5, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Tùng đã trực tiếp trả lời về tình hình hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Ông Tùng cho biết, Bộ đã có văn bản gửi doanh nghiệp này cùng các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án và PVN khẳng định rằng, việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề "nội tại" của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các nhà đầu tư tham gia góp vốn - trên cơ sở cam kết các thoả thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy “tiếng nói cũng chỉ có mức độ”. Hiện, chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
"Bộ Công Thương khẳng định Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài, các bên phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Nhà máy này, đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường", ông Tùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm tới 35-40% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường nội địa, mà mỗi một lần trục trặc thì "chúng tôi mất ăn mất ngủ".
Hoa Vũ