Với công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, các nhà sản xuất xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đã đẩy nhanh quá trình mở rộng cơ sở sản xuất ra nước ngoài, trong đó các nước Đông Nam Á trở thành thị trường lý tưởng và là nền tảng để vươn ra toàn cầu.
Mở rộng sản xuất tại Đông Nam Á
Công ty sản xuất ô tô Trung Quốc BYD có kế hoạch mở rộng sang sản xuất và lắp ráp xe điện tại Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc gặp giữa người sáng lập kiêm Chủ tịch BYD Wang Chuanfu và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào ngày 5/5.
Nhà sản xuất xe điện BYD có trụ sở tại Tây An đã có kế hoạch mở một nhà máy ở Việt Nam để sản xuất phụ tùng ô tô, với mục đích xuất khẩu linh kiện cho một nhà máy lắp ráp được lên kế hoạch ở nước láng giềng Thái Lan.
Mặc dù không đề cập đến khoản đầu tư mới mà BYD sẽ bổ sung cho việc mở rộng nhưng ông Wang bày tỏ mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn tất các thủ tục đầu tư.
BYD, hiện đang vận hành một nhà máy lắp ráp các thiết bị và linh kiện điện tử ở tỉnh Phú Thọ.
Tháng 9 năm ngoái, BYD, được hỗ trợ bởi Berkshire Hathaway của Warren Buffett, đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Thái Lan với công suất hàng năm là 150.000 xe từ năm 2024.
Hôm 6/5, người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan Tipanan Sirichana cho biết, nhà sản xuất ô tô Hozon có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc), đã ký thỏa thuận với một công ty lắp ráp ô tô Thái Lan để sản xuất mẫu NETA V bắt đầu từ năm 2024.
Một trạm sạc NEV ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. |
Trước đó, từ ngày 10/3 - 30/4, các công ty ô tô Trung Quốc BYD Auto và SAIC Motor cũng đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở sản xuất ô tô ở nước ngoài đầu tiên của họ tại Thái Lan.
Chia sẻ với Global Times, ông Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) phân tích, vị thế ngày càng tăng trên thị trường của NEV Trung Quốc ở nước ngoài được thúc đẩy bởi khả năng cạnh tranh về công nghệ và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành, cũng như nhu cầu phát triển năng lượng xanh ngày càng tăng trên thế giới.
"Trong số các thị trường nước ngoài, Đông Nam Á đã thu hút sự chú ý vì nhu cầu trong khu vực và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc", ông Cui cho hay.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ô tô của nước này đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái và NEV là động lực tăng trưởng chính.
Thái Lan là nơi NEV Trung Quốc đạt doanh số cao nhất. Trong số các công ty NEV Trung Quốc xuất khẩu sang Thái Lan, BYD Auto dẫn đầu với doanh số 5.578 xe trong quý đầu tiên.
SAIC Motor, công ty thiết kế và sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, hôm 2/5 đã công bố về việc xây dựng một khu công nghiệp ô tô năng lượng mới ở Thái Lan, tập trung vào sản xuất các bộ phận ô tô chính được nội địa hóa cho NEV. Giai đoạn đầu tiên sẽ được hoàn thành trong năm nay và toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.
"Mặc dù công nghệ của chúng tôi vẫn còn thua kém các nước châu Âu và Mỹ về chế tạo phương tiện chạy bằng khí đốt, nhưng công nghệ năng lượng mới của chúng tôi ở mức tương đối tiên tiến", ông Cui Dongshi nói, chỉ ra rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang có cơ hội tốt để mở rộng sản xuất NEV và bán hàng ra nước ngoài.
Cũng theo Tổng thư ký CPCA, nhờ lợi thế về chuỗi sản xuất và công nghệ NEV, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có nhiều khả năng củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực xe hơi sử dụng năng lượng xanh, trong khi các nước Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của họ.
Rẻ nhưng chưa chắc hút khách ở Việt Nam
Cũng giống như các nước ASEAN khác, Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng thu hút các hãng sản xuất ô tô điện nước ngoài trong những năm gần đây, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc.
Theo dự kiến, mẫu ô tô điện Trung Quốc giá rẻ đầu tiên được lắp ráp tại thị trường Việt Nam là Wuling HongGuang MiniEV. Đây cũng chính là mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm qua.
Có giá thành rẻ nhưng chất lượng của những thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn luôn khiến khách hàng Việt băn khoăn. |
Wuling HongGuang MiniEV là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa Liên doanh General Motors (GM) - (Saic - Wuling) đến từ Trung Quốc và Công ty Cổ phần ô tô TMT của Việt Nam. Theo thoả thuận hợp tác giữa hai bên, liên doanh Trung Quốc sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.
Theo thông tin được TMT công bố, mẫu xe tiên phong được sản xuất, lắp rắp và mở bán tại Việt Nam là HongGuang MiniEV 4. Mẫu xe này sẽ lắp ráp tại nhà máy ở tỉnh Hưng Yên với công suất tới 30.000 xe/năm. HongGuang MiniEV 4 được cho là phù hợp sử dụng trong đô thị với tốc độ thấp và được xem như phương tiện thay thế xe máy.
Hãng chưa tiết lộ thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, mức giá, các phiên bản của sản phẩm mới. Tại thị trường Trung Quốc, xe có 4 phiên bản, mức giá trải dài từ 4.800-14.700 USD (khoảng 112,5 triệu - 344,7 triệu đồng). Trong đó, bản tiêu chuẩn với mức giá rẻ nhất chiếm tới 90% doanh số tổng. Với kích thước, trang bị, cấu trúc nhỏ nhắn, Mini EV nhắm tới khách hàng là những công dân đô thị, sử dụng khoảng cách ngắn trong ngày, cuối ngày có thể sạc xe như điện thoại.
Sự xuất hiện của Wuling sẽ giúp thị trường xe điện tại Việt Nam thêm sôi động, bên cạnh hãng ô tô Việt Vinfast. Ngoài ra, hàng loạt thương hiệu lớn khác của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc như Chery, BYD hiện cũng đang thăm dò và bày tỏ ý định sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất ô tô.
Sự hiện diện của BYD sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast, nhà sản xuất xe điện Việt Nam đã bắt đầu bán ô tô vào năm 2019 và có kế hoạch mở rộng sang Hoa Kỳ và Châu Âu.
Tuy nhiên, chất lượng của những thương hiệu ô tô Trung Quốc vẫn luôn khiến người dùng Việt Nam băn khoăn. Những mẫu xe xăng được nhập khẩu từ Trung Quốc trước đây hầu hết đều có độ bền thấp, mức mất giá nhanh và thiếu cơ sở bảo dưỡng, bảo hành. Nhiều thương hiệu ô tô chạy xăng của Trung Quốc như Beijing X7, Zotye, BAIC... vào Việt Nam cũng chưa thực sự thành công.
Một số chuyên gia nhận định, giá thành rẻ không phải lúc nào cũng có thể thu hút khách tại thị trường Việt Nam. Những phân khúc ô tô cỡ nhỏ như Honda Brio, Toyota Wigo hay Suzuki Celerio giá 350 - 500 triệu đồng cũng "sớm nở, tối tàn".
Hoa Vũ