Khi Trung Quốc rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, Thủ tướng nước này khi đó là ông Lý Khắc Cường đã đưa ra ý tưởng tạo việc làm bằng cách khuyến khích người thất nghiệp bán hàng rong trên đường phố. Ý tưởng đó nhanh chóng gây tranh cãi và bị bác bỏ, bởi người ta mô tả cách buôn bán truyền thống là “không vệ sinh và thiếu văn minh”.
Sự trở lại của "nền kinh tế bán hàng rong"
Ba năm sau khi ý tưởng của ông Lý Khắc Cường bị bác bỏ, mọi thứ đã đảo ngược. "Nền kinh tế bán hàng rong" đã quay trở lại xứ tỷ dân với việc nhiều thành phố dỡ bỏ lệnh cấm bán hàng rong, đồng thời khuyến khích thanh niên thất nghiệp mở các quầy hàng trên đường phố như một cách để hồi sinh nền kinh tế và thúc đẩy việc làm.
Ảnh chụp từ trên cao thực khách đang thưởng thức món thịt xiên nướng trên vỉa hè một tuyến phố ở Truy Bác, Trung Quốc. |
Thâm Quyến, thành phố trung tâm công nghệ cao và giàu thứ ba Trung Quốc, tuần trước đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm đối với những người bán hàng rong, cho phép họ hoạt động từ đầu tháng 9 tới đây tại các khu vực được chỉ định.
Động thái trên đưa Thâm Quyến gia nhập danh sách các thành phố lớn đã nới lỏng lệnh cấm hàng rong trong năm nay, bao gồm Thượng Hải, Hàng Châu và Bắc Kinh. Giới chức các thành phố này khuyến khích người dân đầu tư các quầy hàng hoặc xe đẩy trên đường phố ở một số khu vực nhất định, nơi họ có thể bán đặc sản địa phương, đồ ăn nhẹ, quần áo hoặc đồ chơi.
Theo CNN, các nhà phân tích đánh giá những chính sách nới lỏng hiện tại là nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Trung Quốc, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên mức đáng lo ngại sau 3 năm phòng chống dịch nghiêm ngặt. Đồng thời, một số chính sách kiểm soát nghiêm ngặt cũng đã khiến hàng nghìn lao động trong ngành giáo dục và công nghệ mất việc.
"Giới chức Trung Quốc dường như không thể tìm ra biện pháp nào tốt hơn để tạo việc làm nhằm duy trì sự ổn định và trật tự xã hội", Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc SOAS tại Đại học SOAS ở London, nêu quan điểm và cho rằng đây là "dấu hiệu tuyệt vọng" chứ không phải sự sáng tạo.
Theo số liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm 15/5, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của nhóm thanh niên từ 16 - 24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 20,4% trong tháng 4, tương đương khoảng 11 triệu người. Tỷ lệ này được dự báo có thể tăng hơn nữa khi 11,6 triệu sinh viên đại học dự kiến sẽ tốt nghiệp trong năm nay.
Việc dỡ bỏ các hạn chế với văn hóa bán hàng rong được đưa ra sau khi một thị trấn công nghiệp ít được biết đến đã trở thành cơn sốt lan truyền với các quầy thịt nướng ngoài trời, truyền cảm hứng cho các thành phố khác cố gắng sao chép thành công của nó.
Thị trấn Truy Bác nằm ở phía đông tỉnh Sơn Đông, đang là điểm du lịch được quan tâm nhất hiện nay ở Trung Quốc, sau khi video về các hàng thịt nướng vỉa hè có giá bán rẻ ở nơi này lan truyền trên mạng xã hội từ tháng 3.
Những xiên thịt được quạt nướng trực tiếp, ăn kèm với bánh mì, ngồng tỏi, cùng các loại thực phẩm đơn giản khác. Mỗi bữa ăn trung bình chỉ khoảng 30 Nhân dân tệ (hơn 100.000 đồng) cho một người, và thị trấn này cũng nổi tiếng về lòng hiếu khách.
Jiang Yaru, một người gốc Truy Bác hiện đang làm việc tại Thượng Hải cho biết: "Đồ ăn rất rẻ". Jiang đã quyết định về quê trong kỳ nghỉ lễ Quốc tế lao động, chỉ để nếm thử món thịt nướng địa phương đang gây sốt trên mạng xã hội.
Những cửa hàng thịt nướng Jiang ghé thăm đều chật kín khách, trong đó có nhiều bạn trẻ. “Người dân nơi đây rất hiếu khách và thật thà. Tôi nghĩ đó là lý do chính giúp thị trấn nổi tiếng như vậy. Đây xứng đáng là một trải nghiệm mới lạ đối với nhiều du khách", cô nói với CNN.
Truy Bác hiện được mệnh danh là thủ phủ thịt nướng ngoài trời của Trung Quốc. Khách du lịch đổ về đông đến nỗi khiến các cơ quan du lịch địa phương cũng kêu gọi du khách đi nơi khác. Nhờ cơn sốt, thị trấn công nghiệp nhỏ này đã chứng kiến mức tăng trưởng GDP 4,7% trong quý đầu tiên của năm nay, chủ yếu nhờ bán lẻ, du lịch và ăn uống. Mức tiêu thụ tăng 11% trong cùng kỳ, trái ngược mức giảm 2% trong 2 tháng đầu năm.
Quá trình "lột xác" của Truy Bác cũng khiến một số chính quyền thành phố khác đã cử quan chức đến đây để học hỏi từ người dân địa phương và cố gắng nhân rộng thành công của họ.
Sự thành công của "nền kinh tế hàng rong" ở Truy Bác cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu “nền kinh tế bị đình trệ” có thể khởi động quá trình xoay trục, chuyển sang một mô hình tăng trưởng vì người tiêu dùng hay không?
Chuyên gia Tsang bày tỏ quan điểm: "Tôi cho rằng thành công của Truy Bác có thể phản ánh tác động của điều mới lạ, nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy người dân đang nghèo đi. Ai sẽ chọn đồ ăn đường phố nếu đủ tiền vào nhà hàng cao cấp Michelin chứ? Nếu có cũng chỉ vài người thôi, không phải hầu hết đâu".
Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Trường Kinh doanh NUS cho biết: "Hiện tượng Truy Bác là sự kết hợp giữa FOMO (tâm lý sợ bị bỏ lỡ) giữa các thành thị của Trung Quốc và áp lực từ trên xuống nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp và nỗi lo lắng của thanh niên".
Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một loạt thách thức ngày càng tăng. Thị trường bất động sản đang sa lầy trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất được ghi nhận, niềm tin kinh doanh giảm mạnh sau những chính sách siết chặt kiểm soát các ngành công nghệ và giáo dục. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm, trong khi quan hệ giữa Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi đã khiến các nhà lãnh đạo phải có thái độ hòa giải hơn đối với công ty tư nhân cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm.
Luo Wen, người đứng đầu Cục Quản lý Nhà nước về Điều tiết Thị trường Trung Quốc, tháng trước đã đề nghị hỗ trợ nhiều hơn cho các "doanh nghiệp cá nhân", chẳng hạn như người bán hàng rong, thông qua hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Dù vậy, Tsang cho rằng thương mại phi chính thức có thể tạm thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và giúp người dân cảm thấy bớt nghèo, nhưng nó "sẽ không cứu được nền kinh tế Trung Quốc".
“Nền kinh tế hàng rong” tại Việt Nam
Tại Việt Nam, hàng rong có thể nói đã trở thành một nét văn hóa của người Việt, nhưng cũng chính hàng rong bị cho là "thủ phạm" gây mất mỹ quan đô thị. Nếu cấm thì việc xử lý bất cập của các gánh hàng rong như thế nào cũng là vấn đề nan giải khi phần lớn những người bán đều có hoàn cảnh khó khăn. Còn không cấm, thì cần quản lý ra sao?
Gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè từ lâu đã trở thành nét đặc trưng ở Việt Nam. |
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi từng có phát biểu khiến dư luận dậy sóng khi cho rằng không bao giờ được nghĩ trung tâm thành phố là chỗ của những người giàu, người sang trọng. "Nếu có 100, 200 hay 300 người mua gánh bán bưng thì cũng phải tìm hiểu họ là ai, cách thức như thế nào và tạo sinh kế gì cho người ta sống được, đừng nghĩ đẩy người ta ra khỏi chỗ này", ông đề nghị phải có sự sắp xếp lại việc bán hàng rong, tính toán chỗ giữ xe để có cách giải quyết tốt nhất.
Quan điểm đó của vị Chủ tịch TP.HCM khiến dư luận “dậy sóng”, hoan hỉ vì đã nhìn nhận về hàng rong một cách khách quan và có tính nhân văn cao. Bởi vì, hàng rong không phải bây giờ mới có mà đã tồn tại hàng trăm năm nay. Ngoài ra, nếu loại bỏ hàng rong thì xã hội phải gánh chịu mối lo việc làm và đời sống cho nhóm đối tượng này. Vậy nên phải quản lý linh hoạt theo từng khu vực và theo thời gian mà cho phép hay cấm bán, chứ không thể cấm đồng loạt hay cho bán đồng loạt.
Sau đại dịch COVID-19, đời sống kinh tế và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam cũng chịu sự tác động lớn. Vì vậy, để có thể phát triển, các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ cũng phải dần thay đổi. Vào lúc này, những gánh hàng rong và cửa hàng nhỏ ở vỉa hè đang là sự lựa chọn của nhiều người.
Tại TP.HCM, những gánh hàng rong quen thuộc đã được nâng cấp nhiều hơn, được đầu tư làm thương hiệu, được xây dựng thành chuỗi, thành mô hình bán hàng lưu động được đầu tư bài bản.
Hãng nghiên cứu JLL từng nhận định, việc các chuỗi bán đồ mang đi đầu tư vào những mô hình trên "vỉa hè" sẽ thành xu hướng, vì đây thực sự là phân khúc hấp dẫn khi nó đã là một phần văn hoá tiêu dùng của người dân thành thị.
Trong khi đó, tại Hà Nội, để đảm bảo cuộc sống của người dân, mỹ quan đô thị cũng như phát triển nền kinh tế, chính quyền Thành phố sẽ thí điểm cho thuê vỉa hè để tổ chức bán café, giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ khách.
Theo dự kiến, một số tuyến phố có vỉa hè trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. TP.Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ.
Chủ trương cho thuê một phần vỉa hè phục vụ việc kinh doanh được đánh giá là cần thiết, song vẫn khiến nhiều người băn khoăn về việc liệu có phát sinh các vấn đề như: Rác thải, nguy cơ cháy nổ, rào chắn vỉa hè...
Cho thuê vỉa hè chỉ là một phần giải pháp quản lý vỉa hè. 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Một thập kỷ giành lại vỉa hè với nhiều gian nan. Những người bán hàng có lẽ mong chờ một chính sách tổng thể quản lý vỉa hè chứ không phải là trốn tránh, chờ chiến dịch đi qua lại lấn chiếm vỉa hè trở lại.
Phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được đề xuất đủ điều kiện về chiều rộng và hiện trạng vỉa hè để có thể cho thuê kinh doanh. |
Hoa Vũ