Theo Báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 11/2024 Việt Nam xuất khẩu được 10.754 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28,8 triệu USD, so với tháng 10 lượng xuất khẩu tăng 5,8%.
Ấn Độ và Hoa Kỳ là 2 thị trường xuất khẩu quế chính của Việt Nam, đạt 4.429 tấn và 1.253 tấn, chiếm tỷ trọng lần lượt là 41,2% và 11,7%. Trong khi đó, Prosi Thăng Long tiếp tục là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất chiếm 15,6% thị phần xuất khẩu, đạt 1.673 tấn. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Gia vị Sơn Hà đạt 699 tấn, Tuấn Minh đạt 676 tấn, Senspices đạt 531 tấn và Olam Việt Nam đạt 440 tấn.
Tính chung 11 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 90.270 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 249,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 10,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 3,9%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 13.213 tấn, chiếm 14,6%; gia vị Sơn Hà đạt 5.649 tấn, chiếm 6,3%; Tuấn Minh đạt 4.372 tấn, chiếm 4,8%; Senspice Việt Nam đạt 3.974 tấn, chiếm 4,4% và Olam Việt Nam đạt 3.677 tấn, chiếm 4,1%.
Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 31.829 tấn, chiếm 35,3%; Hoa Kỳ đạt 9.867 tấn, chiếm 10,9% và Bangladesh đạt 7.536 tấn, chiếm 8,3% thị phần.
Trong tháng 11/2024 Việt Nam xuất khẩu được 10.754 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 28,8 triệu USD, so với tháng 10 lượng xuất khẩu tăng 5,8%. |
Tại Việt Nam, nhiều năm gần đây, quế trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân tại nhiều địa phương tỉnh miền núi như Yên Bái, Bắc Kạn,... xóa đói, giảm nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Được biết, quế là cây lâm nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc. Sau khi trồng được khoảng 5 đến 6 năm, người dân đã bắt đầu khai thác tỉa, cho thu nhập khá cao.
Ông Bùi Văn Uyên ở xã Đại Bảo, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), cho biết, gia đình ông trồng hơn 3ha quế, phần lớn diện tích được trồng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. “Thực tế cho thấy, cây quế đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác. Chỉ tính việc khai thác tỉa, từ đầu năm đến nay gia đình đã có thu nhập hơn 30 - 40 triệu đồng từ bán vỏ quế" – ông Uyên chia sẻ.
Hiện, trên thị trường giá vỏ quế được thu mua khá cao, có thời điểm lên tới hơn 30.000 đồng/kg tươi. Đặc biệt, cây phù hợp trên đất thịt pha cát, có độ tơi xốp, phát triển nhanh nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật. Thông thường, người dân sẽ khai thác 2 vụ/năm, mỗi vụ thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Về cơ bản, tất cả các bộ phận của cây quế đều được thương lái thu mua, từ vỏ, thân cây đến cành, lá.
Theo chia sẻ của một chủ xưởng thu gom và chế biến quế, cây quế có giá trị cao vì phần nào cũng có thể điều chế ra thành phẩm để bán. Thân cây quế được sử dụng làm gỗ, vỏ cây để chế biến thành quế khô. Quả quế được thu lượm để ươm thành cây giống, còn hoa quế phơi khô làm nước uống.
Ngoài những công dụng trên, người dân ở đây tận dụng được lá quế để chưng cất tinh dầu. Tại một số xưởng chế biến có quy mô, chủ xưởng còn đầu tư các máy móc công suất lớn để nâng cao sản lượng. Trung bình các xưởng này đun được 24 - 30 nồi chưng, thu về khoảng 200 kg tinh dầu/ngày.
Hiệu quả kinh tế từ cây trồng này đem lại là rất tích cực, vì thế, các hộ dân đều cho rằng sẽ tiếp tục trồng trong thời gian tới.
Hồng Hương