Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu, sau 9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 69.350 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 194,2 triệu USD, tăng 2,7% về lượng nhưng giảm 2,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu là Prosi Thăng Long với 9.999 tấn, chiếm 14,4% thị phần.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 9/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 216 tấn quế với trị giá đạt 0,5 triệu USD, giảm 14,6% so với tháng trước. Trong đó, Indonesia là thị trường cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam với 107 tấn, chiếm tỷ trọng gần 50% trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam.
Năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. |
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, nhập khẩu quế về Việt Nam đạt 3.448 tấn với kim ngạch đạt 8,3 triệu USD, giảm 74% về lượng và giảm 76% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Quế là một loại cây thân gỗ, dễ chăm sóc và diện tích trồng quế của Việt Nam lên tới 180.000 ha tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Trữ lượng vỏ quế Việt Nam ước tính khoảng 900.000 - 1.200.000 tấn, sản lượng thu hoạch bình quân 70.000 - 80.000 tấn/năm. Năm 2022 Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD.
Năm 2023, sản lượng quế xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 34,4% thị phần xuất khẩu trên thế giới với các thị trường tiêu thụ chính như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Hoa Kỳ… Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 90.000 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 260 triệu USD, tăng 14,6% về sản lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với năm 2022.
Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu quế đến gần 100 quốc gia trên thế giới, chiếm 95% thị phần tại thị trường Ấn Độ, 36,5% tại thị trường Hoa Kỳ và 35% thị trường châu Âu. Các sản phẩm quế nước ta đã chiếm lĩnh hầu hết tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm 18,6%, đạt 18.659 tấn, trong đó 70% xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tỷ lệ xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm 12%.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA cho biết, để “chinh phục” và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khó tính kể trên, ngành quế Việt Nam cần tiếp tục cải thiện chất lượng sau thu hoạch và chế biến, trong đó cần xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA và mô hình hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành quế.
Theo bà Liên, việc xây dựng một hệ sinh thái là vô cùng quan trọng, vì nó không chỉ là diễn đàn liên kết các tác nhân trong chuỗi cung ứng mà còn giúp tăng giá trị sản phẩm. Hệ sinh thái này sẽ giúp gắn kết các cam kết của nhà nước trong thương mại quốc tế với thực tế và doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp là người thực thi, biến các cam kết đó thành hiệu quả thực tế thông qua giá trị xuất khẩu tăng trưởng như thế nào, thâm nhập các thị trường nào...
Khi tham gia vào hệ sinh thái, người dân sẽ sản xuất ra những sản phẩm thị trường xuất khẩu cần, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường như: không nhiễm chì, không nhiễm kim loại nặng... Nếu người nông dân sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ thì sẽ tăng thêm giá trị cho sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp, trước hết, cần hiểu rõ thị trường và các cam kết của FTA, trong đó bao gồm những quy định về thuế, chất lượng trong EVFTA, UKVFTA... để thâm nhập vào thị trường.
Khi đã hiểu về thị trường, sẽ quay trở lại vùng nguyên liệu, làm thế nào để tổ chức sản xuất khoa học, bài bản đúng với yêu cầu của thị trường nhập khẩu... Làm được điều đó, Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường, mở rộng, xây dựng kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp - người sản xuất, hay còn gọi là liên kết sản xuất.
Tiếp đó, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trên thị trường thế giới thông qua các chứng nhận, tiêu chuẩn quốc tế. "Do vậy, trong khuôn khổ hệ sinh thái các FTA, chúng ta sẽ có thêm những nguồn lợi về tài chính, kỹ thuật, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu hơn, hành lang logistics..." - Chủ tịch VPSA nói thêm.
Hồng Hương