Chỉ sau vài năm được đưa về để thay thế diện tích mía kém hiệu quả, mô hình trồng ổi trên địa bàn xã Hà Long, huyện Hà Trung liên tục cho thấy sức hút mạnh mẽ. Đến nay, toàn xã có hàng trăm hộ canh tác, doanh thu ước tính trên 50 tỷ đồng/năm, thương hiệu ổi lê Hà Long cũng ngày càng đi lên.
Làm giàu với cây ổi
Năm 2021, sau nhiều năm vật lộn với cây mía truyền thống, hiệu quả bấp bênh, gia đình ông Nguyễn Viết Hiền, xã Hà Long, quyết định chuyển đổi 1ha diện tích sang trồng ổi lê. Chính quyết định đầy mạo hiểm này đang tạo nên bước ngoặt với kinh tế gia đình ông.
Sau hơn 3 năm gắn bó với mô hình mới, ông Hiền cho hay trồng ổi đòi hỏi nhiều kỹ thuật, nhưng không quá vất vả. Năng suất ổi cao gấp 3-4 lần cây mía, cây lúa. “Kể từ khi chuyển đổi sang trồng ổi, năm nào nhà tôi cũng thu về trên dưới 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, ông Hiền chia sẻ.
Ổi lê đang cho thấy tiềm năng nhân rộng, giá trị kinh tế cao ở Hà Trung. |
Hiệu quả vượt trội của ổi lê đang thu hút hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã Hà Long chuyển sang trồng loại cây này. Cạnh vườn nhà ông Hiền là vườn nhà anh Mai Văn Thăng, với hơn 1.700 cây ổi lê.
Cũng giống như nhiều hộ trồng ổi trên địa bàn xã Hà Long, để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất, anh Thăng chủ động ứng dụng canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Việc trồng ổi theo tiêu chuẩn an toàn giúp tuổi đời của cây ổi cao hơn (7-8 năm mới phải trồng lại).
Đặc biệt, sản xuất sạch giúp chất lượng quả ổn định, theo đó thị trường tiêu thụ cũng ổn định với giá bán cao. Hiện, ổi lê ở Hà Long được bán với giá bình quân 8-15 nghìn đồng/kg (tùy chất lượng), ngay cả những thời điểm vào vụ, giá ổi cũng không biến động quá nhiều.
Theo đại diện UBND xã Hà Long, cây ổi lê “bén rễ” đất Hà Long từ khoảng năm 2018, với vỏn vẹn 4-5 ha, đến nay đã tăng lên hơn 200 ha, thu hút gần 500 hộ tham gia. Lợi nhuận bình quân cây ổi lê đạt 150-300 ha/năm (tuy mật độ, giá cả,…).
Kiếm bộn nhờ cá – lúa
Không chỉ có cây ổi lê, ở Hà Trung những năm qua không hiếm những mô hình sản xuất cho giá trị cao, mang lại thu nhập trăm triệu cho người dân.
Điển hình, trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá đồng là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân ở Hà Trung. Đặc biệt, sự hình thành của các tổ hợp tác, HTX giúp giá trị sản xuất của mô hình ngày càng tăng.
Được sự đồng hành của cán bộ nông nghiệp xã Hà Tiến, cách đây 5 năm, gia đình ông Đỗ Văn Quý, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp Hà Tiến mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi các loại cá mè, trôi...
Ông Quý chia sẻ trước đây, khu ruộng của gia đình ông nằm ở vùng trũng, năng suất thấp nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều thời điểm ruộng bỏ hoang. Chỉ đến khi được xã và Tổ hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, gia đình đã đào sâu ruộng và đắp bờ, có mương bao quanh ruộng và ao chứa cá khi chuyển vụ.
Mô hình cá - lúa đang trở thành một trong những mô hình kinh tế trọng điểm. |
Cùng với đó, ông Quý sử dụng chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường nước, đáy ruộng nhằm đảm bảo môi trường sống an toàn, qua đó giúp nâng cao sức đề kháng của cá, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sự kết hợp hài hòa góp phần nâng cao năng suất của cả lúa và cá.
“Nếu trước đây, hơn 1 ha lúa chỉ thu về khoảng 2-3 tấn thóc, thu nhập vừa đủ ăn, thì nay nhờ sự kết hợp hiệu quả, năng suất lúa đạt trên 3,5 tấn/ha, cộng thêm thu nhập 35-50 triệu đồng/vụ từ cá. Tính bình quân mỗi vụ, tôi thu về 60 - 70 triệu đồng”, ông Quý hồ hởi nói.
Đáng chú ý, các phụ phẩm của lúa như rơm, rạ, thóc rụng và cả các loài dịch hại cây lúa như sâu, rầy... cũng được gia đình ông Qúy tận dụng, tiến hành ủ để làm thức ăn giúp cá phát triển tốt, tiết kiệm chi phí mua thức ăn. Phân cá làm tăng nguồn dinh dưỡng cho cây lúa, cá bơi lội sục bùn làm đất tơi xốp, thoáng khí giúp rễ lúa nhanh phát triển, hấp thu dinh dưỡng tốt.
Được biết, đến nay, toàn xã Hà Tiến đã chuyển đổi được gần 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình cá - lúa, đồng thời kết hợp diện tích mặt nước để chăn nuôi vịt, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hiện, toàn xã cũng có 3 tổ hợp tác phát triển mô hình, tạo điểm tựa cả trong sản xuất và vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, hộ nông dân liên kết. Để nhân rộng, xã đang tích cực hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm khuyến khích người dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đa dạng hóa cây trồng
Có thể nói, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hà Trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, làm thay đổi tập quán sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho lao động địa phương.
Để khuyến khích người dân xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, huyện Hà Trung đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất, hiệu quả kinh tế cao, như: lúa nếp hạt cau xã Hà Lĩnh, lúa nếp cái hoa vàng xã Hà Long; dứa tại các xã Hà Long, Hà Vinh; dưa chuột tại các xã Hà Giang, Hà Long, Hà Lĩnh...
Bên cạnh đó, huyện thực hiện chuyển đổi hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao; hình thành các mô hình sản xuất, như trồng cây dược liệu, cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới nước theo phương pháp nhỏ giọt, dưa lưới Nhật Bản, nuôi ốc nhồi, cá rô phi...
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, ngoài tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai hình thành các vùng sản xuất lớn, huyện cũng đang tích cực phối hợp, nghiên cứu hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ cao, cơ giới hóa, không ngừng đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Lệ Chi