Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (Tp.HCM), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm và các đơn vị liên quan” mà Bộ Công an vừa khởi tố tiếp tục nối dài các vi phạm quy định về đấu thầu ở mảng thiết bị y tế trong thời gian qua.
Ám ảnh “sân sau”
Đáng chú ý là hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”, gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu. Điển hình như các vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ…
Quy định công khai giá trang thiết bị y tế đang đòi hỏi cần có tính hợp lý và khả thi hơn. |
Và chính hành vi thông đồng, cấu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước, đã dẫn đến việc “xộ khám” hôm 7/11 của ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, cùng ông Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm.
Về các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu (trong đó có mảng thiết bị y tế), như chia sẻ của Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, tình trạng gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu.
Ông Xô cũng cho biết, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
Theo giới chuyên gia, trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị y tế hiện nay vẫn lo nhất ở khâu thẩm định, trong đó có thẩm định giá và thẩm định năng lực của nhà thầu còn nhiều bất cập.
Không những vậy, hình thức “chỉ định thầu” đã bị lợi dụng triệt để trong các gói thầu hàng hóa. Do thủ tục lựa chọn nhà thầu đơn giản, thời gian thực hiện ngắn, nên đây là hình thức được áp dụng tương đối phổ biến, từ đó sinh ra rất nhiều tiêu cực trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
Ngoài việc cần bịt những lỗ hổng trong quản lý hoạt động đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, thì tình trạng giá trang thiết bị y tế công khai một đằng nhưng bán một nẻo cũng là một nỗi lo lớn.
Như phản ánh của dư luận, thời gian qua có những vật tư, thiết bị y tế giá trị thấp thì chênh lệch giữa giá công khai và giá bán thực chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng sản phẩm y tế giá trị cao có mức chênh lệch từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Mặc dù Bộ Y tế đã có cổng công khai giá được cho là một cải tiến, nhưng có cổng công khai giá rồi mà vẫn không biết đâu là giá thực cho thấy vẫn có những vướng mắc trong cơ chế hậu kiểm sau khi doanh nghiệp (DN) cung cấp giá bán của mình lên cổng này.
Chờ những quy định hợp lý và khả thi hơn
Nhiều ý kiến lưu ý khi công khai giá thiết bị, ngoài kiểu thiết bị cần thể hiện rõ năm sản xuất, quốc gia sản xuất, thương hiệu và đặc tính kỹ thuật. Còn việc DN kê giá cao vì không chỉ DN được lợi mà cả những tổ chức/cá nhân đơn vị y tế đều có lợi ích trong đó. Đây chính là kẽ hở cần khắc phục ngay.
Anh Võ Quang Trung (trú tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho biết, bản thân anh từng mua giường y tế cho mẹ, xem giá trên website là hơn 10 triệu đồng, nhưng nếu điện thoại trực tiếp đến công ty thì có giá thấp hơn gần 2 triệu đồng.
Vì vậy, theo anh Trung, việc công khai giá thiết bị y tế có tính chênh lệch cao vẫn “chứa đựng nhiều thứ sâu xa” trong đó, rất cần bổ sung những quy định để bịt các kẽ hở.
Ngoài ra, mới đây, khi góp ý với Bộ Y tế về đề xuất quy định công khai giá trang thiết bị y tế (nhằm giải quyết tình trạng hiện nay khi các đơn vị, cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc xác định mức giá phù hợp khi thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng có thể giải quyết qua hình thức đăng ký giá.
Cụ thể, ở Điều 26 Luật Giá cho phép cơ quan nhà nước kiểm tra yếu tố hình thành giá (với các thông tin về giá tương tự như đề xuất) khi giá mặt hàng đó có biến động bất thường. Việc kiểm tra yếu tố hình thành giá sẽ đảm bảo khả năng kiểm soát của Nhà nước với giá cả mặt hàng đó mà vẫn giữ bí mật cho các DN.
Mặt khác, VCCI đề xuất yêu cầu công khai trực tiếp với tư cách bên mua. Theo đó, đơn vị, cơ sở y tế hoàn toàn có quyền yêu cầu các DN cung cấp thông tin, trong đó có giá CIF (gồm tiền hàng, bảo hiểm, cước phí) trong quá trình thương thảo hợp đồng mua sắm thiết bị. Việc này sẽ giúp cơ sở y tế có thêm thông tin trong việc tiến hành hoàn tất mua sắm theo phương thức chỉ định thầu.
VCCI có lưu ý là cần xem xét trên một số phương diện. Chẳng hạn quy định này dường như chưa thống nhất với quy định tại pháp luật về giá. Ngoài ra, quy định này có thể gây khó trong việc kê khai. Việc công khai giá CIF và chi phí sản xuất cũng tạo ra sự so sánh không công bằng giữa các DN, tạo gánh nặng thủ tục hành chính cho DN.
Cho nên, thời gian tới, khi đưa ra quy định công khai giá trang thiết bị y tế rất cần cơ quan quản lý khắc phục những mặt hạn chế này để có tính hợp lý và khả thi hơn.
Thế Vinh