Tại họp báo trước Lễ hội cá tra lần thứ nhất với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, ông Lê Hà Luân - Bí thư Thành ủy TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết Hồng Ngự là nơi khởi nguồn của con cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
Kỳ tích cá tra đi kèm những câu chuyện thăng trầm
Ông Luân kể, trước kia, người dân chỉ ra sông vớt cá tra loại nhỏ (cá bột, cá hương) về nuôi lớn trong ao. Đây là nguồn thực phẩm chính trong bữa cơm gia đình. Sau này, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến, con cá tra từ "ao làng đã vươn ra biển lớn", đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới. Đến nay, cá tra đã trở thành ngành hàng tỷ USD.
Hơn 90 sản phẩm cá tra được làm phile, nên giá trị gia tăng con thấp. |
Về câu chuyện cá tra từ “ao làng vươn ra biển lớn”, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết nếu như năm 1997, cá tra lần đầu tiên xuất khẩu chỉ đạt kim ngạch 1,6 triệu USD, đến năm 2008, con số này đã tăng lên 1,46 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phát triển thần tốc của ngành hàng cá tra.
Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và hiện trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2022, sản lượng cá tra dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD - kỷ lục lịch sử của ngành hàng.
Ông Luân nhìn nhận, sau hơn 20 năm phát triển đã viết thành kỳ tích con cá tra nhưng cũng trong giai đoạn hiện nay, cần nhìn nhận lại các bước tiếp theo để giúp ngành cá tra phát triển bền vững trong những năm tới. Thực tế, kể từ năm 2010 đến nay, cá tra Việt Nam cũng trải qua nhiều giai đoạn thăm trầm, lúc giá lên cao; lúc xuống thấp, không xuất bán được.
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cá tra còn có thể làm ra sản phẩm như thức ăn cho thú cưng, cá cảnh và đặc biệt nếu có dịp sang Singapore, chúng ta sẽ thấy họ bán các sản phẩm làm từ da cá tra, giống như bim bim nhưng giá rất đắt, tại sao mình có lợi thế mà không phát huy. Nhìn chung, ngành cá tra còn nhiều việc phải làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), chỉ ra hiện nay 97% sản phẩm từ cá tra là phile. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ cá tra đạt ở trình độ ngang tầm thế giới, tuy nhiên cần hoàn thiện thêm về chính sách để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực.
Đa dạng hóa sản phẩm từ phụ phẩm của cá tra
Ông Toản kiến nghị Chính phủ cần quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận hỗ trợ nguồn lực. Đồng thời, phụ phẩm của con cá tra hiện còn đơn điệu như dầu cá, bột cá, collagen, cũng như chúng ta chưa tận dụng được thành tố quan trọng là máu cá. Đây là điểm nghẽn cần phải vượt qua.
Quay trở lại câu chuyện của huyện Hồng Ngự, Bí Thư Thành ủy Lê Hà Luân, thừa nhận nếu chỉ sản xuất tập trung ở câu chuyện phile thì thị trường sẽ hạn hẹp và con cá tra dễ gặp tác động tiêu cực từ thị trường, tồn kho nhiều.
Hiện nay, con cá tra sử dụng hầu hết các bộ phận, kỳ vọng rằng sản phẩm có giá trị gia tăng nhiều hơn nữa. Có 2 sản phẩm giá trị gia tăng cao là collagen và dầu ăn, các phần còn lại chủ yếu xay ra làm thức ăn chăn nuôi gia súc là chính, chế biến thành đóng hộp, đóng gói. Đây là điểm nghẽn chung của ngành, huyện Hồng Ngự cũng xác định sẽ tìm cách hỗ trợ cho các cơ sở chế biến tại địa phương, làm sao gia tăng được giá trị cho con cá tra.
Ông Luân bật mí, tại lễ hội cá tra tới đây, một doanh nghiệp sẽ tung ra cẩm nang 200 món ăn chế biến từ cá tra, đồng thời cùng nhau nghiên cứu cặn kẽ thị trường các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật, Nga, Mỹ… từ đó tạo ra giá trị gia tăng.
Trước những thách thức mà ngành hàng tỷ USD này đang phải đối mặt, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá năng suất cá tra của Việt Nam đang cao nhất thế giới, nhưng như vậy không có nghĩa là cá tra đã hoàn hảo.
Theo Thứ trưởng NN&PTNT, ngành hàng cá tra cần phải giải quyết tốt bài toán về vùng nuôi, công tác giống, vấn đề dịch bệnh, sản phẩm giá trị gia tăng, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm, du lịch sinh thái...
“Nhiệm vụ trong thời gian tới là đưa ngành cá tra lên nấc thang mới, năng suất chất lượng theo chuỗi và đặc biệt nâng cao giá trị gia tăng”, Thứ trưởng Tiến đặt ra yêu cầu.
Lê Thúy