Chiều ngày 13/12, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo Lễ hội Cá tra lần thứ nhất năm 2022.
Họp báo về lễ hội cá tra lần thứ nhất năm 2022. |
Theo Bộ NN&PTNT, cá tra cũng là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu long, ngành hàng cá tra Việt Nam không ngừng phát triển và hiện đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng trăm ngàn lao động. Năm 2022, mặc dù chịu tác động từ hậu quả của đại dịch COVID-19, nhưng ngành hàng cá tra đã hết sức năng động, sáng tạo, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng, tận dụng tối đa nhu cầu từ thị trường sau đại dịch. Nhờ đó, sản lượng cá tra năm nay dự kiến đạt 1,68 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 2,4 tỷ USD (tính đến ngày 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD) là định cao nhất trong lịch sử của ngành hàng.
Theo đó, sự kiện Lễ hội Cá tra được đánh giá có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, với nhiều câu chuyện về hành trình đưa cá tra từ “ao làng ra biển lớn”.
Dự kiến, sự kiện thu hút khoảng 50.000 người tham dự là các đối tác ngành hàng cá tra, du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội cá tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hằng năm để xây dựng hình ảnh Thủ phủ cá Tra - Hồng Ngự quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung...
Thông qua các hoạt động tại Lễ hội là cơ hội để các doanh nghiệp, đổi tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp: quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo tình hình cung - cầu; đa dạng hóa sản phẩm để gia tăng giá trị sử dụng hiệu quả phụ phẩm; phát triển thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn; xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ bao gồm thị trường xuất khấu và thị trường tiêu dùng nội địa.
"Đặc biệt, phải tập trung nâng cao chất lượng con giống; chất lượng di truyền về một số tình trạng như tăng trưởng, kháng bệnh, tỷ lệ phi lê, chịu mặn...; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đề nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thy Lê