Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2022, với doanh số gần 290 triệu USD từ Việt Nam, khối thị trường Trung Đông trở thành một thị trường có tăng trưởng khá ấn tượng, tăng 44% và chiếm gần 3% tổng XK thuỷ sản.
Top 3 thị trường trong khu vực Trung Đông, nhập khẩu (NK) nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Ai Cập, UAE và Ả Rập Xê út. Trong đó, tăng bứt phá nhất là Ả Rập Xê út với trên 19 triệu USD, tăng 165% trong 11 tháng đầu năm. XK cá tra sang Ai Cập và UAE tăng lần lượt 35% và 30% so với cùng kỳ đạt 35 triệu USD và 29 triệu USD.
Khối thị trường Trung Đông trở thành một thị trường có tăng trưởng khá ấn tượng, tăng 44% và chiếm gần 3% tổng XK thuỷ sản. Nguồn VASEP. |
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, các mặt hàng thuỷ sản chủ lực XK sang thị trường Trung Đông gồm cá tra chiếm 44%, cá ngừ chiếm gần 30%, tôm chiếm 16%, các loại cá biển khác và mực bạch tuộc chiếm 10%...
Đáng lưu ý là cá tra cũng là mặt hàng có giá trị XK sang Trung Đông cao nhất và tăng mạnh nhất trong 11 tháng qua, với gần 127 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối thị trường này chiếm gần 6% XK cá tra của Việt Nam trong năm 2022.
Cá tra phile đông lạnh mã HS 0304 chiếm 91% giá trị XK cá tra sang các nước Trung Đông, cá tra nguyên con đông lạnh mã HS 03 chiếm 8% còn lại gần 1% là cá tra chế biến.
Năm 2022, chiến sự Nga – Ukraine căng thẳng, nguồn cung dầu mỏ từ Nga hạn chế là cơ hội để các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Mặc dù cũng bị lạm phát cao nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước Trung Đông không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác. Đó là yếu tố để DN thuỷ sản Việt Nam đẩy mạnh XK sang Trung Đông.
Các chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế khu vực Trung Đông năm 2023 sẽ tăng chậm lại, vì giá dầu mỏ và thị trường dầu mỏ sẽ không căng thẳng như năm nay. Xu hướng chung của các thị trường trong đó có các nước Trung Đông là không NK sôi động như nửa đầu năm 2022.
Đ.A