Tại hội thảo "Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020" chiều 5/9, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh điều này.
Báo cáo đánh giá sơ bộ về kết quả tái cơ cấu kinh tế 2016-2018 và suy nghĩ về tìm kiếm động lực tăng trưởng cho 2019- 2020 và các năm tiếp theo của CIEM cho biết, Nghị quyết 27 của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đưa ra 16 định hướng, 120 nhóm nhiệm vụ.
41% mục tiêu khó hoàn thành
Đến nay, 25,8% nhiệm vụ triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng, còn 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Đánh giá chung, có 24% mục tiêu tái cơ cấu dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.
Theo Ts. Nguyễn Đình Cung, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế tương đối cao và không còn phụ thuộc vào gia tăng tín dụng với quy mô lớn như giai đoạn trước, đó là dấu hiệu tích cực trong cách thức tăng trưởng. Tuy nhiên, cơ cấu tín dụng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tín dụng vẫn đổ nhiều vào "các hoạt động dịch vụ khác", còn tín dụng vào xây dựng, công nghiệp… lại giảm.
Thực trạng nợ xấu, nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu trong nền kinh tế chưa giảm nhiều, như năm 2016 là 11,9%, 2017 là 9,5%. Đáng lý khi thị trường bất động sản khởi sắc, tốc độ giảm nợ xấu được kỳ vọng nhanh hơn, song thực tế không nhanh như mong muốn.
Cùng với đó, vốn đầu tư nhà nước 6 tháng đầu năm 2018, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giảm sút, về mức âm. Một trong số nguyên nhân có thể do sự phân vân của lãnh đạo DNNN trong quá trình chuyển đổi vốn nhà nước từ bộ chuyên ngành về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Bên cạnh đó, hiệu quả tài chính của DNNN đang có xu hướng giảm.
Theo ông Cung, cách thức phân bổ nguồn lực hiện nay chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn chuyển dịch chậm, trong khi đây là những yếu tố tạo ra cơ cấu mới, động lực mới của tăng trưởng. Vì thế, các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn.
"Nếu không thay đổi về tư duy chỉ đạo điều hành, cải cách thế chế, phân bổ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo ra cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế…, mong muốn tăng trưởng cao và bền vững sẽ là thách thức trong giai đoạn tới", ông Cung chia sẻ.
![]() |
Giai đoạn tới, tái cơ cấu kinh tế phải vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại vừa phải tận dụng cơ hội Cách mạng 4.0 |
Tư duy, thể chế và hạ tầng
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá tái cơ cấu kinh tế lâu nay chậm vì không làm được nhiều. Thời gian vừa rồi, Chính phủ có ý định rõ ràng tập trung vào cải cách dài hạn nhưng sức ì quá lớn.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, bên cạnh việc chuẩn bị các giải pháp để đối phó với tình thế bất lợi từ cuộc chiến tranh này, cần phải đẩy mạnh cải cách trong nước.
Trong đó, một trong những cải cách cần thiết nhất là tập trung tháo bỏ các rào cản, sợi dây trói buộc DN. Thực tế, dù Chính phủ thời gian qua đã gây áp lực đối với các bộ ngành, địa phương nhưng vì lợi ích này, lợi ích kia mà vẫn chưa cởi trói được cho DN.
Vì vậy, phải nhân cuộc chiến tranh thương mại này để thay đổi thể chế. DN Việt Nam đang rất yếu, nếu không nâng cao sức cạnh tranh cho DN, những vấn đề khác cũng không thể giải quyết.
Đánh giá cơ cấu lại nền kinh tế từ góc độ pháp luật và thi hành pháp luật, luật sư Lê Văn Hà cho rằng hiện vẫn còn quá nhiều "thủ tục hành chính".
Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính thống kê có trên 7.200 thủ tục hành chính đang tồn tại. Điều này tạo ra một gánh nặng về chi phí cực lớn đè nặng lên DN.
Ví dụ như phí thẩm xét hồ sơ công bố lần đầu phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng là 1,5 triệu đồng/ lần/sản phẩm.
Chưa kể, thời gian thực hiện và hoàn thành thủ tục hành chính dây dưa, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DN.
Đặc biệt, cụm từ "thanh tra, kiểm tra" có trong tất cả các văn bản luật. Thanh tra là thủ tục tuân thủ Luật Thanh tra 2010. Hệ quả của thủ tục "kiểm tra" có thể đem đến nhiều chế tài đối với tổ chức và cá nhân kinh doanh, bao gồm chế tài hành chính, chế tài hình sự. Vì vậy, cần ban hành Luật về Kiểm tra DN, quy định thẩm quyền, thủ tục, nội dung, trình tự hoạt động kiểm tra.
Đề xuất các nhóm giải pháp chuẩn bị cho tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021-2030. Ts. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nội dung của giai đoạn này phải vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế số, vừa phải tận dụng cơ hội Cách mạng 4.0. Giai đoạn này phải chấm dứt tình trạng kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi để biện minh cho sự kém cỏi, yếu kém.
"Chỉ có thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa tăng trưởng", ông Cung nhấn mạnh.
Nói về Cách mạng 4.0, ông Cung nhấn mạnh, cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu. Sự thay đổi phải bắt đầu từ tư duy, thể chế và hạ tầng. Nếu cứ tư duy thiếu thị trường như hiện nay thì sẽ đẩy Cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo 4.0 ở lại.
Viện trưởng CIEM nhấn mạnh: "Trước tiên hãy tận dụng trí tuệ của người Việt trong nước. Nếu trí tuệ những người Việt trong nước chưa được tận dụng thì chừng đó đừng hy vọng nhiều vào sự tìm kiếm đóng góp của người Việt đang ở nước ngoài".
Thy Lê