Thương mại điện tử giờ đây đã trở thành một lĩnh vực thương mại lớn, một xu thế không thể đảo ngược có tầm ảnh hưởng to lớn đối với thị trường tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để có thể giữ được ưu thế, thị phần của mình.
Tiktok có đang thật sự chiếm được thị phần?
Tháng 2 năm 2022, TikTok chính thức ra mắt TikTok Shop – giải pháp thương mại điện tử tại Việt Nam giữa cuộc chiến giành thị phần đang diễn ra gay gắt như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,...
Nhờ hình thức tiếp thị đầy sáng tạo, hoạt động thương mại kết hợp giải trí có sức hút mạnh mẽ đối với người tiêu dùng. Chưa đầy một năm ra mắt, TikTok Shop đã vượt qua Sendo, Tiki vươn lên vị trí thứ ba trong TMĐT và trở thành đối thủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trực tiếp với các “ông lớn” như Shopee, Lazada.
Mới đây sức hút của nền tảng Tiktok Shop dường như càng được khẳng định khi dữ liệu từ Báo cáo toàn cảnh thị trường bán lẻ trực tuyến 2023 của Metric đã cho thấy, trong năm 2023, có thêm hơn 95.000 nhà bán mới gia nhập nền tảng này. Trong khi tại 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, có tới hơn 105.000 nhà bán hàng rời khỏi thị trường.
Cuộc đua giành thị phần thương mại điện tử đang "nóng" hơn bao giờ hết. |
Số liệu này này đã khiến nhiều người đưa ra nhận định rằng Tiktok Shop đang dần chiếm lĩnh được thị trường thương mại điện tử và đẩy các sàn khác ra khỏi cuộc chơi. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết điều này vẫn chưa thể khẳng định.
Đại diện nền tảng số liệu E-Commerce Metric phân tích rằng, vẫn chưa có dữ liệu cụ thể nào cho thấy người bán hàng rời 4 sàn là để di chuyển sang Tiktok Shop. Không chỉ vậy, một thống kê của Younet cũng cho thấy giá trị mua hàng trung bình của ba sàn Tiki, Lazada và Shopee vẫn cao hơn đáng kể so với Tiktok shop, cho thấy các đơn hàng giá trị cao vẫn được người dùng ưu tiên mua trên các sàn này.
Khảo sát ý kiến người tiêu dùng cũng cho thấy, nhiều người dù thường xuyên sử dụng ứng dụng và xem giới thiệu sản phẩm trên Tiktok nhưng vẫn ưu tiên việc mua hàng trên các ứng dụng TMĐT lớn như Shopee và Lazada… vì nhiều lý do cụ thể.
Chị Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù thường xuyên xem các livestream bán hàng cũng như review sản phẩm trên nền tảng Tiktok nhưng chị vẫn lựa chọn đặt mua hàng trên Shopee. Lý do được chị đưa ra là vì Shopee có nhiều chiết khấu, mã giảm giá hơn và còn được miễn phí vận chuyển.
“Dù là cùng một mặt hàng có mức giá niêm yết giống nhau nhưng nếu mua trên Shopee tôi có thể áp thêm nhiều mã giảm giá, chiết khấu từ cửa hàng, mã miễn phí vận chuyển, tính ra vẫn “hời” hơn mua trên Tiktok Shop. Trên Tiktok Shop thường có ít mã giảm giá hơn và cũng ít khi được freeship”, chị Thảo nói.
Anh Đức Thắng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết anh thường lựa chọn Lazada để mua hàng, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao hay các sản phẩm công nghệ, vì trên Lazada có nhiều các cửa hàng chính hãng của các thương hiệu lớn, uy tín hơn và chính sách bảo hành hay đổi trả hàng sau mua của sàn này cũng rõ ràng hơn.
Các sàn thương mại khác vẫn có ưu thế
Theo Bộ Công thương, dù thị trường có nhiều biến động nhưng 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều vẫn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023, đạt giá trị hơn 230.000 tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định Tiktok dù giúp tăng độ phủ đáng kể của mua hàng trực tuyến đến với người dân và mang lại lợi ích chung cho toàn thị trường nhưng chưa hẳn là giành thị phần của các đối thủ khác.
Kịch bản Tiktok Shop chiếm lĩnh thị trường TMĐT cũng chưa thể xảy ra, do các sàn thương mại Shopee, Lazada… vẫn có cho mình nhiều ưu thế nhất định để đứng vững như sở hữu các tích hợp tiện ích giao hàng, đặt đồ ăn, ví điện tử; liên kết với nhiều cửa hàng chính hãng; triển khai định kỳ nhiều chiến dịch giảm giá lớn…
Bên cạnh đó, những sàn lớn vẫn đang được người tiêu dùng đánh giá cao hơn Tiktok một số việc như kiểm soát chất lượng sản phẩm, chất lượng nội dung hay các dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn trả hàng hóa. Tiktok Shop thường bị người dùng phản ánh về vấn đề hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái; nội dung nhiều phiên live hay video quảng bá trên Tiktok cũng bị đánh giá là “rác”, vô nghĩa câu tương tác bất chấp, thậm chí là dung tục, phản cảm, trái ngược lại hoàn toàn với những chính sách Tiktok tuyên bố.
Cuộc cạnh tranh giữa các sàn thương mại được dự báo vẫn sẽ rất sôi động trong thời gian tới, khi các sàn TMĐT lớn đều cố gắng “tăng tốc” và làm nhiều cách để giành lấy “miếng bánh thị phần” cho mình. Chuyên gia từ Metric nhận định, việc khách hàng tích cực tìm kiếm sản, so sánh giá, chất lượng, mẫu mã giữa các nền tảng và mua hàng các kênh bán khác nhau nhìn chung sẽ giúp kích thích thị trường TMĐT Việt Nam phát triển.
Dù vẫn chưa thể ngay lập tức chiếm lấy nhiều thị phần từ các đối thủ khác nhưng trên thực tế, Tiktok Shop vẫn là một đối thủ đáng gờm khiến các ông lớn phải dè chừng. Việc nền tảng này không ngừng thay đổi, cải tiến, sáng tạo cũng khiến các sàn TMĐT khác đang gặp thách thức lớn, cần phải nỗ lực “chạy” theo để có thể giữ chân người tiêu dùng của mình.
Bích Tâm