Ngành lúa gạo vẫn đang phấn đấu để đem về lợi nhuận khoảng 30% cho nông dân. |
Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho hay, trong nhiều năm qua, ngành lúa gạo vẫn đang phấn đấu để đem về lợi nhuận cho người trồng lúa khoảng 30%. Hàng năm, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT thường có báo cáo về giá thành sản xuất lúa gạo, từ đó có chính sách hỗ trợ cho người dân.
“Mặt khác, mức thu về bao nhiêu còn phải trừ đi chi phí sản xuất, vận chuyển…”, ông Đức chia sẻ.
Được biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tham gia vào đề án này, nông dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa, được vay ngân hàng... với mục tiêu lợi nhuận bình quân đạt trên 35%.
Trước đó, Bộ Công Thương có báo cáo Chính phủ về kết quả xuất khẩu gạo năm 2022 và phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với năm 2021.
Trong tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 359.310 tấn, kim ngạch 186,6 triệu USD. Đáng chú ý, mức giá trung bình tăng, lên 519,3 USD/tấn. Vì vậy, xuất khẩu dù giảm về lượng song trị giá tăng 6,8%.
Đánh giá chung, Bộ Công Thương cho hay lượng lúa gạo đã được tiêu thụ hết cho người nông dân, đảm bảo lợi ích người trồng lúa có lãi, bình ổn giá thóc, gạo trong nước. "Giá thành sản xuất bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg, song mức giá thóc trên thị trường là 6.650 đồng/kg, với mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%", Bộ Công Thương tính toán.
Nhật Linh