Báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2022 và duy trì ở mức cao trong tháng 1 và tháng 2/2023. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
DN lo không đáp ứng được đơn hàng
Cụ thể, tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại nhưng tăng 20-23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Dự báo giá gạo xuất khẩu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. |
Mặc dù vậy, VFA cũng đề cập tới nhiều khó khăn như chi phí sản xuất lúa gạo trong năm qua tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu gạo, trong khi, giá gạo chào bán không tăng nhiều. Bên cạnh đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung giá rẻ khác như Ấn Độ, Pakistan.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, Chủ tịch VFA, phàn nàn: "Chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất tăng cao, dẫn tới giá bán cao hơn nhưng nếu xét về hiệu quả mang lại cho DN và nông dân thì phải nói là đều chưa tương xứng, thậm chí bị lỗ”.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Intimex Group dự báo, giá gạo năm nay sẽ tiếp tục khởi sắc, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tăng, đặc biệt với sản phẩm gạo thơm; biến đổi khí hậu, chiến sự Nga – Ukraine… Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, chỉ một số chủng loại gạo thơm bán được hơn 1.000 USD/tấn, còn giá trung bình vẫn chưa có đơn vị nào xuất khẩu vượt quá 700 USD/tấn.
Bên cạnh đó, năm nay xuất khẩu gạo sẽ không bằng năm ngoái do lượng hàng tồn kho không còn nhiều, thậm chí DN không có hàng để bán, lượng gạo mới sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
“Hiện nay có tình trạng là DN ký hợp đồng từ trước, giờ phải giao hàng, thiếu hàng thì phải đẩy thu mua gạo giá cao hơn. Năm nay, dự kiến chỉ xuất được khoảng 6 triệu tấn, vì mọi năm chúng ta còn nhập từ Ấn Độ 1 triệu tấn nhưng giờ họ đánh thuế cao nên khó nhập, thêm vào đó lượng hàng tồn kho còn ít”, ông Nam cho biết.
Đi vào phân khúc gạo chất lượng cao
Trong khi đó, đại diện Công ty Phương Đông (Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc), đánh giá nhu cầu của thị trường đối với gạo thơm các nước đều tăng. Nhưng thực tế mấy ngày gần đây, DN mua gạo rất khó khăn, thậm chí không có gạo để xuất.
Với các mặt hàng gạo cao cấp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho hay Việt Nam hiện có khoảng 200 DN nằm trong top tương đối lớn về xuất khẩu gạo. Các DN Việt nên chọn lọc sản phẩm, phân khúc, thị trường theo khả năng và quy mô DN của mình, phù hợp với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng và địa bàn liên kết canh tác. Chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng chứ không thể bán những gì chúng ta sẵn có. Sản phẩm phổ thông bán được nhưng giá trị không cao và đầu ra bấp bênh.
“Nói thật, gạo Việt dù luôn xuất khẩu sản lượng lớn, đứng thứ 2 hoặc 3 thế giới, xong có năm bán được có năm phải giải cứu, trong khi gạo sạch, an toàn năm nào cũng không đủ để đáp ứng cho thị trường cao cấp, khó tính”, ông Bình cho biết.
Nhiều người cho rằng, khi châu Âu miễn thuế nhập khẩu gạo, họ tăng độ khó hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, để bảo hộ DN trong nước. Ông Bình đánh giá việc bảo hộ DN quốc nội nào cũng có, song châu Âu không trồng hoặc trồng ít lúa gạo, hơn nữa mỗi năm châu Âu nhập khẩu trên dưới 2 triệu tấn gạo. Do vậy, 80.000 tấn gạo nhập khẩu từ Việt Nam chỉ là số nhỏ, chắc chắn châu Âu không nhòm ngó hoặc giăng hàng rào kỹ thuật để gây khó.
"Hãy xuất khẩu những loại gạo đảm bảo kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta hãy làm thật tốt, hướng đến lâu dài, không chỉ 80.000 tấn gạo được hưởng thuế suất bằng 0 mà làm sao để người châu Âu tin và muốn ăn gạo Việt”, ông nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu, Tập đoàn Lộc Trời, đánh giá dư địa của gạo Việt Nam ở thị trường châu Âu cũng như nhiều thị trường khác trên thế giới là rất lớn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành lúa gạo là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu xuất khẩu đi châu Âu, 1 lô hàng bị kiểm tra thì tên của DN nằm trong danh sách đen, hết đường xuất khẩu.
Để đảm bảo xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới, đại diện Lộc Trời kiến nghị Ngân hàng hỗ trợ vốn tín dụng cho nông dân, để người nông dân an tâm sản xuất lúa gạo cao cấp cho thị trường Mỹ, EU. Đồng thời, nên xây kho ngoại quan ở cấp quốc gia, tăng sản lượng mà mình giao hàng cho người mua.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việc người tiêu dùng thế giới sẵn sàng trả tiền rất cao cho sản phẩm gạo chất lượng cao là xu thế không thể đảo ngược. DN cũng hiểu được câu chuyện phải hướng đến những thị trường cấp cao để tạo ra lợi nhuận cao hơn cho mình. Tư duy là làm cái thị trường cần, thay vì cái mình có. Rõ ràng đây là tín hiệu cho thấy một khi thay đổi thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao, dẫn dắt người trồng lúa, đảm bảo tiêu chuẩn chọn giống, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản, trong đó có hạt gạo cho từng loại thị trường. Hay nói cách khác, DN dần dần từ bỏ tư duy mua bán theo chuyến, thương vụ mà chuyển sang mua bán lâu dài, xây dựng vùng nguyên liệu, chiến lược thị trường lâu dài liên kết với nông dân, HTX trong từng vùng nguyên liệu để tạo ra nguyên liệu ổn định, đáp ứng chuẩn mực thị trường. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh Để gia tăng giá trị, chúng tôi đang chọn con được xuất khẩu gạo cấp cao, gạo thơm, tìm kiếm các đơn hàng, giới thiệu tới người tiêu dùng thế giới thông qua các hội chợ hàng đầu thế giới. Hiện DN đang xuất khẩu tới các đối tác ở Hà Lan, Bỉ, Pháp, có những sản phẩm bán được với giá 1.600 USD/tấn. Để làm được điều này cần phối hợp với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn ngay từ khâu xử lý đất, nước, tới gieo giống, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản. Ông Phan Văn Chinh Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Các báo cáo đều đánh giá thị trường tiêu thụ trong thời gian tới khá lạc quan. Trong đó thị trường Trung Quốc rất quan trọng, hiện nay Bộ Công Thương cũng khuyến khích dần chuyển sang XK chính ngạch để tránh biến động về giá, đồng thời đảm bảo sự ổn định đối với các thị trường khác. Các DN cần chuẩn bị để một khi Trung Quốc hút hàng thì khi đó nhu cầu sẽ rất lớn. Mặt khác, DN cũng cần thận trọng khi các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn đó là giá cước vận tải biển cao, giá đầu vào sản xuất lúa gạo, cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. |
Nhật Linh