Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm, thuỷ sản tháng 6 ước đạt 3,63 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 6 tháng đầu năm 2019 đạt 19,8 tỷ USD. Trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt 9,28 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNN) đánh giá trong 6 tháng đầu năm, thị trường nông sản diễn biến phức tạp.
Tháng 6, nhiều mặt hàng trái cây vào vụ thu hoạch, nhưng không tìm được đầu ra, một số thị trường XK chính đã giảm mạnh kim ngạch nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng sụt giảm
Chẳng hạn, tại Đồng Tháp, giá xoài Cát Chu trong tháng 6 bán ra khá thấp, dao động 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm gần cuối tháng 6, xoài cuối vụ giảm sản lượng nên giá đã nhích lên 20.000 – 40.000 đồng/ kg (tùy loại), nhưng mức này vẫn thấp hơn so với năm ngoái.
Trong khi đó, mít Thái đang vào vụ thu hoạch rộ, nhưng giá bán ở mức 15.000 đồng/ kg đối với loại I, 12.000 đồng/kg với loại II và 8.000 đồng/kg đối với loại III. Bình quân giảm gần 35.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây hai tháng.
Về nguyên nhân giá mít Thái xuống thấp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng do thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất riêng.
Không chỉ có các mặt hàng đặc sản của các địa phương, những mặt hàng XK chính của Việt Nam sang Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng khó tìm đầu ra.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo giảm do nhu cầu nhập khẩu hạn chế cùng với khả năng nguồn cung vụ hè thu chất lượng không cao.
Giá cà phê giảm do thị trường cà phê tiếp tục chịu áp lực từ dư thừa nguồn cung toàn cầu. Giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp (DN) ở mức thấp, chủ yếu bắt cá ao nhà và hạn chế mua ngoài.
Giới chuyên gia cho biết việc nông sản XK giảm trong những tháng đầu năm không nằm ngoài dự báo từ đầu năm. Nguyên nhân là với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đầu ra cho nông sản Việt sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 dự báo giảm.
Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong XK.
Bên cạnh đó, từ cuối năm ngoái, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam đều gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Thực tế này đã tác động trực tiếp đến XK hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Kim ngạch XK nông sản chính giảm 9,2% so với cùng kỳ |
Cần điều chỉnh cách thức “làm ăn”
Báo cáo của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm cho thấy kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD, giảm nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm hàng nông, thủy sản là tâm điểm của sự sụt giảm này.
Cụ thể, trong 8 mặt hàng nông, thủy sản chủ lực XK sang Trung Quốc gồm rau củ, gạo, khoai mì (sắn), cao su, thủy sản, hạt điều, cà phê và chè có tới 4 mặt hàng có kim ngạch sụt giảm là khoai mì, thủy sản, cà phê và gạo. Trong đó, kim ngạch XK lúa gạo chỉ đạt 111 triệu USD, giảm đến 75% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc XK nông sản sang Trung Quốc sụt giảm có phần do trước đây các DN Việt quen với mua bán biên mậu vốn khá dễ dãi về thủ tục cũng như về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, khi Trung Quốc chuyển sang chính ngạch với hàng rào kỹ thuật khắt khe, hàng hóa Việt đã vấp phải khó khăn.
PGs.Ts Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết thị trường Trung Quốc hiện đã kiểm soát chặt chẽ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ của các sản phẩm nhập khẩu. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến XK nông sản của Việt Nam giảm, đặc biệt là với lúa gạo.
Theo các chuyên gia, để vực dậy giá trị XK cho những tháng cuối năm, những dư địa trong phát triển XK nông sản phải được tận dụng triệt để.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Do đó, các DN chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, các DN cần điều chỉnh cách thức làm ăn. Những yêu cầu về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi cơ bản, tất yếu của tất cả các thị trường nhập khẩu chứ không riêng Trung Quốc.
Hoàng Hà