Gần đây, thị trường ô tô vào dịp cuối năm thường có những diễn biến khó lường, song chưa năm nào xuất hiện thêm cả sự "khó hiểu" như năm nay.
Thuế nhập khẩu (NK) ô tô và linh kiện đã giảm về 0% nhưng xe vẫn tăng giá, nguồn cung dồi dào nhưng khách hàng vẫn bị "bắt chẹt"… Phải chăng đang có sự "làm giá" của các đại lý ô tô khiến khách hàng chịu thiệt?
Kể từ nửa cuối năm 2018, ô tô NK bắt đầu tràn về Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó xe hưởng thuế 0% chiếm số lượng lớn.
Kỷ lục cuối năm
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, 11 tháng đầu năm 2018, cả nước NK 66.283 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch gần 1,5 tỷ USD (giảm khoảng 20% về lượng và 21% về kim ngạch so với cùng kỳ 2017).
Tuy nhiên, thực tế lượng xe chủ yếu ồ ạt nhập về từ tháng 9 đến nay. Đáng chú ý, từ ngày 14 đến 20/12, cả nước có 3.886 xe ô tô nguyên chiếc đăng ký NK (tăng 37% so với tuần trước), tổng kim ngạch hơn 81,4 triệu USD. Đây cũng là một trong những tuần có lượng ô tô NK lớn nhất kể từ đầu năm.
Trong đó, nhập nhiều nhất vẫn đến từ 3 thị trường chính là Thái Lan với 2.427 chiếc, từ Indonesia: 957 chiếc, từ Nhật Bản: 247 chiếc. Số xe NK từ 3 thị trường này chiếm tới 93% tổng lượng xe nhập vào Việt Nam trong tuần.
Cũng theo thống kê, tuần qua, cả nước chi 71,9 triệu USD nhập linh kiện và phụ tùng ô tô, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Indonesia…
Như vậy, chỉ 3 tuần đầu tháng 12, tổng lượng xe NK đã vượt hơn 10.000 chiếc, là tháng thứ tư liên tiếp có lượng ô tô NK vượt con số từ 10.000 xe trở lên trong năm nay. Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, tháng có lượng xe nhập nhiều nhất là tháng 3 cũng chỉ đạt 3.676 xe.
Về sản xuất trong nước, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 11 tháng năm 2018, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 193.688 xe (tăng 11%).
Điều đó cho thấy nguồn xe trên thị trường những tháng cuối năm khá dồi dào, nhìn chung không thiếu xe.
Mặc dù ô tô NK từ ASEAN về Việt Nam được hưởng thuế 0% nhưng nhiều mẫu xe đã không giảm giá tương ứng. Các tính toán cho thấy với thuế về 0%, giá xe NK sẽ giảm khoảng 20-23%, nhưng trên thực tế, nhiều mẫu chỉ giảm 10- 15%, thậm chí có mẫu không giảm giá, hoặc giảm xong lại tăng.
![]() |
Nhu cầu mua xe du xuân dịp cuối năm tăng rất cao |
Thêm trăm triệu vẫn phải chờ
Theo một số đại lý bán ô tô, nguyên nhân khiến thuế giảm nhưng giá xe vẫn tăng là do ô tô NK phải chịu thêm chi phí kiểm định, lưu kho bãi… Chưa kể, trong năm nay, tỷ giá USD/VND tăng khiến giá xe nguyên chiếc và giá linh kiện NK khi quy đổi sang tiền đồng tăng theo.
Điển hình, mẫu xe Honda CR-V đã có 3 lần điều chỉnh giá trong năm 2018. Đầu năm 2018, Honda CR-V có giá niêm yết 1,136 tỷ – 1,256 tỷ đồng (những lô hàng này được nhập từ Thái Lan vào cuối năm 2017 nên vẫn chịu thuế NK 30%). Tuy nhiên, kể từ tháng 3, lô xe có thuế NK 0% về, giá xe giảm còn 0, 958 – 1,068 tỷ đồng. Khách hàng chưa kịp vui mừng thì giá dòng xe này đã quay đầu tăng trở lại. Hiện, Honda CR-V có giá niêm yết 0,983 – 1,093 tỷ đồng, áp dụng đến hết năm nay.
Đáng nói, bất chấp giá xe cao, số lượng người mua Honda CR-V vẫn tăng cao, giúp mẫu xe này vươn lên top bán chạy trong phân khúc với doanh số ngang ngửa Mazda CX-5.
Các doanh nghiệp kinh doanh xe ô tô cho biết, hiện tại, họ bán ra theo giá thị trường, nghĩa là chiếc xe nhập về có giá 800 triệu đồng nhưng thị trường chấp nhận ở mức 1 tỷ đồng thì sẽ bán giá 1 tỷ đồng, chứ không phải cứ thuế giảm là giá xe giảm sâu.
Nhân viên một đại lý ô tô tại Hà Nội thừa nhận, với những mẫu xe ăn khách, các đại lý tìm cách "làm giá" như: găm hàng, đẩy giá lên, hoặc sẽ báo với khách nếu mua xe theo đúng giá niêm yết của công ty thì phải đợi ra Tết mới có hàng.
"Ngay cả khi xe nhập đã về đến kho, theo hợp đồng phải giao cho khách, nhưng chưa chắc khách đã được nhận. Đại lý viện đủ lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian, bắt khách phải chờ. Còn ai chi thêm tiền sẽ có xe ngay", nhân viên này tiết lộ.
Cuối năm, khách hàng thường có mong muốn được nhận xe sớm để du xuân, nên nhiều người chấp nhận chi thêm tiền để có xe, vì vậy nhiều đại lý đã thu lợi tới cả trăm triệu đồng mỗi xe bán ra.
Hiện nay, trên thị trường ô tô Việt Nam đang có một vài mẫu xe được người tiêu dùng "cuồng" mua, bất chấp các điều kiện đưa ra bất lợi cho mình. Có thể kể đến như Fortuner, Prado của Toyota hay CR-V của Honda, Ranger của Ford…
Ngoài ra, một số mẫu như: Accent, Tucson, Elantra của Hyundai; Xpander của Mitsubishi… cũng đang bán chạy như "tôm tươi", khách hàng phải xếp hàng chờ đợi khá lâu.
Thanh Hoa