Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 4/2022 đạt 1,59 tỷ USD, tăng 12% so với tháng 4/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,14 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 4/2021.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ đạt 3,3 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay. |
Trong 4 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,6 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,17 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có triển vọng khả quan trong thời gian tới, bởi nhu cầu tại các thị trường lớn tăng trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2022 bị cản trở bởi chi phí vận chuyển, chi phí hàng hoá tăng, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, điều này khiến doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn hơn.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính đều tăng, trừ thị trường Anh và Đức. Trong đó, trị giá xuất khẩu tới thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 59,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
"Với quy mô dân số hơn 333 triệu người cùng sức mua lớn, lại đang trong giai đoạn phục hồi mạnh sau đại dịch, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam", Bộ Công Thương đánh giá.
Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 545,2 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc đạt 539,9 triệu USD, tăng 2,3%; Hàn Quốc đạt 356,6 triệu USD, tăng 21,2%...
Xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ tăng mạnh là tín hiệu rất khả quan cho ngành gỗ Việt Nam, tuy nhiên để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, ngành gỗ Việt Nam cần thận trọng việc đảm bảo nguồn gốc xuất xứ.
Vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo cho cơ quan chức năng Việt Nam về việc nhận đơn đề nghị điều tra nghi vấn chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với sản phẩm tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia.
Theo đó, sản phẩm bị đề nghị điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là tủ gỗ có mã HS 9403.40.9060, 9403.60.8081, 8403.90.7080. Phía nguyên đơn là American Kitchen Cabinet Alliance - đại diện cho một số doanh nghiệp sản xuất tủ gỗ của Mỹ.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, vào tháng 2/2020, Mỹ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc. Từ đó, xuất khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh tới 54% (từ 2,5 tỷ USD xuống còn 1,6 tỷ USD).
Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm gỗ, từ gỗ từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng tới hơn 130% (từ 1,37 lên 2,7 tỷ USD). Đặc biệt, cùng thời điểm này lượng nhập khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng gần gấp 4 lần (từ 232 triệu lên 810 triệu USD).
“Phía doanh nghiệp Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập tủ, bộ phận tủ từ Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại sau đó lắp ráp hoàn thiện tại Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ”, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ quyết định khởi xướng điều tra vào cuối tháng 5. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, sản xuất tủ gỗ xuất khẩu sang Mỹ nắm thông tin và chuẩn bị ứng phó với vụ việc.
Nhật Linh