Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,98 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,98 tỷ USD. |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, tốc tăng trưởng 4% trong 3 tháng đầu năm 2022 là rất khả quan đối với ngành gỗ. Hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý III/2022, thậm chí là hết năm. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỷ USD trong năm 2022 có khả năng thực hiện được.
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ của Việt Nam được thúc đẩy bởi hàng loạt các Hiệp định đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới, đang thực hiện chiến lược “Zero Covid” khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan trong 3 tháng đầu năm 2022, trừ xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc và Canada. Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là xuất khẩu tới Nhật Bản đạt 396,8 triệu USD, tăng 11,3%; tới Trung Quốc đạt 353 triệu USD, giảm 0,7%; tới Hàn Quốc đạt 248,8 triệu USD, tăng 18,4%...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và thêm vào đó là cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu tàu vận tải biển, thiếu container, giá cước phí vận tải đường biển tăng quá cao dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào và đầu ra của các doanh nghiệp. Chi phí hoạt động sản xuất tăng làm thu hẹp lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gỗ, có thể làm cản trở đà tăng tăng trưởng của ngành gỗ.
Về động thái của các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gỗ với Việt Nam, ở trong khu vực không thể không nhắc tới Indonesia. Theo Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (ITTO), mặc dù có cơ hội xuất khẩu đồ nội thất lớn hơn sang châu Âu, nhưng hầu hết các nhà sản xuất đồ nội thất của Indonesia lại tập trung vào thị trường Hoa Kỳ, bởi nhu cầu tại thị trường này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan đến năm 2024 và do các nhà nhập khẩu đồ nội thất của Hoa Kỳ đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Thủ công và Nội thất Indonesia (HIMKI), do Trung Quốc giảm thị phần tại Hoa Kỳ, Indonesia vẫn có khả năng tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ, đặc biệt là sang Hoa Kỳ trong 3 năm tới. HIMKI dự báo xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia vào năm 2024 có thể đạt 5 tỷ USD.
Trong năm 2021, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Indonesia đạt 3,42 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2020. Năm 2022, trị giá xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Indonesia được đặt mục tiêu là 3,69 tỷ USD.
Lê Thúy