Trên các tuyến phố tại Hà Nội đã tràn ngập các gian hàng bánh trung thu với đa dạng thương hiệu: Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị,... Với tâm lý nhà nhà, người người đều có ý định sở hữu hộp bánh đẹp mắt để đón Tết Trung thu, nhiều nhãn hàng đang tăng tối đa sản xuất, đa dạng hết mức các kênh phân phối sản phẩm ra thị trường.
Mẫu mã, hương vị đa dạng
Trao đổi với VnBusiness, Chị Nguyễn Thị Thu Hương – Trưởng nhóm Marketing (tại gian hàng bánh Kinh Đô trên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm), chia sẻ: "Chúng tôi luôn nỗ lực cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Năm nay, chúng tôi tập trung vào các sản phẩm bánh có hương vị truyền thống nhưng được biến tấu hiện đại, cùng với việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên và an toàn".
Từ các cửa hàng truyền thống đến siêu thị và các trang thương mại điện tử, bánh trung thu xuất hiện khắp nơi với đủ loại, từ những chiếc bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền đến những loại bánh hiện đại, được chế biến cầu kỳ với nhiều hương vị và hình dáng khác nhau.
Sự đa dạng của bánh trung thu mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm. Trong bối cảnh thị trường phát triển mạnh mẽ, không ít cửa hàng nhỏ lẻ đã lợi dụng để bán các loại bánh kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý.
Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị đã bắt đầu bày bán đa dạng các loại bánh trung thu. |
Với số lượng lớn, đa dạng nhãn hiệu cùng nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau, khách hàng gần như lạc trong “mê cung” bánh trung thu thật giả, chính hãng, hàng nhái… mà khó có thể phát hiện.
Mới đây, một tài khoản mạng xã hội có tên N.Vlog đã đăng tải clip với nội dung về việc mua phải bánh trung thu kém chất lượng. Chị N. chia sẻ với VnBusiness rằng, lướt Tiktok thấy người bán đã bắt đầu livestream, quảng cáo bánh, chị thấy nhiều lượt mua tại shop bán bánh trung thu Thanh Dung và đánh giá tốt nên đã đặt mỗi vị một cái (với giá 22.000 đồng/bánh). Khi nhận hàng ăn thử thì bánh rất cứng, nhân bên trong có mùi rất khó chịu, đập xuống sàn nhà tiếng kêu lộp cộp.
Sự xuất hiện của các loại bánh trung thu giá rẻ cũng đi kèm với những nguy cơ về an toàn thực phẩm. Trên thị trường hiện nay, có không ít loại bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ thông tin. Những loại bánh này thường được bán tại các chợ dân sinh, các cửa hàng nhỏ lẻ với giá cực kỳ thấp, chỉ từ 5.000 đến 25.000 đồng/chiếc.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc tiêu thụ bánh trung thu không rõ nguồn gốc có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Bởi lẽ, các loại bánh này thường không được kiểm tra chất lượng, có thể chứa các chất phụ gia, chất bảo quản không an toàn.
Để Trung thu vui, khỏe, đầm ấm
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho biết, năm nay, ngoài mua bán trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng thì nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng sẽ đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử, mạng xã hội...
Do đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, đặc biệt là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...) chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương)...
Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, do mặt hàng bánh Trung thu chỉ mang tính thời vụ, hoạt động sản xuất và tiêu thụ diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Công tác kiểm tra không chỉ tập trung vào các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất thủ công theo quy mô hộ gia đình, các làng nghề truyền thống, mà còn được tăng cường tại các công ty, khách sạn, doanh nghiệp… có thương hiệu, tên tuổi trên thị trường.
Việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.
Vì vậy, cơ quan Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng (có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...) và chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương.
Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không nên mua ở những fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin thì cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
“Khi chọn mua bánh cần chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, như: Có đủ trang thiết bị che đậy, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất,…” đại diện Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo.
Lê Hồng