Năm 2018, Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, thu 620.000 tỷ đồng, chiếm 8% GDP. Theo các số liệu thống kê và đánh giá của các chuyên gia, du khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng trưởng nhanh.
Ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, thừa nhận năm 2018, tổng số du khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu khách), Malaysia (25 triệu khách), Singapore (18,5 triệu khách), Indonesia (15,8 triệu khách).
Thủ tục cấp thị thực phiền hà
Khách quốc tế đến Việt Nam còn chi tiêu khiêm tốn. Tỷ trọng của các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần kể từ năm 2015. Tỷ trọng khách Bắc Mỹ giảm từ 7,6% (2005) xuống 5,8% (2018); châu Âu giảm từ 14,6% xuống 13,1%, trong khi khách châu Á tăng mạnh.
Khách quốc tế đến Việt Nam nghỉ lâu hơn nhưng chi tiêu ít hơn so với các nước trong khu vực. Trung bình khách chi tiêu 96 USD/ngày tại Việt Nam, nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày.
Đâu là "nút thắt" khiến du lịch Việt Nam thua kém các nước trong khu vực? Tại hội thảo chuyên đề "Phiên hiến kế về du lịch" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 ngày 2/5, những vấn đề liên quan tới bất cập chính sách thị thực Việt Nam, hạ tầng hàng không, chiến lược quảng bá, chất lượng sản phẩm du lịch đã được đặt ra.
Cụ thể, liên quan tới chính sách thị thực, hiện nay, câu hỏi thường trực của khách du lịch là tại sao Việt Nam không miễn visa cho họ trong khi nhiều nước miễn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết việc đề xuất bỏ visa cho khách du lịch một số nước, vùng lãnh thổ đã được đưa ra từ năm 2016, song kết quả vẫn chưa đạt được như mong đợi. Nếu muốn phát triển du lịch, cần có chính sách cởi mở hơn về visa.
Vì vậy, ông Kỳ đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt. Ví dụ như Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam. Hay áp dụng visa linh hoạt theo thị trường khách đông – vắng mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, SeaGames, Festival Huế…
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huyền, đại diện Vietrantour, cho rằng so sánh với các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp sau Malaysia, Thái Lan và một số quốc gia được miễn thị thực.
Theo bà Huyền, đúng là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế đến Việt nam đã mở hơn song chưa đáp ứng được những nhu cầu sát sườn. Về hình thức cấp thị thực tại cửa khẩu, thực chất khách đến Việt Nam nhận thị thực tại cửa khẩu nhưng trước đó họ phải làm thủ tục trước và cầm công văn đến cửa khẩu.
Trong khi đó, Thái Lan đang cấp thị thực tại cửa khẩu với công dân 20 nước. Chỉ cần chuẩn bị ảnh, hộ chiếu, vé máy bay và xác nhận nơi cư trú, khách quốc tế có thể được cấp visa ngay tại cửa khẩu Thái Lan mà không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào trước đó.
Đồng thời, muốn thu hút các thị trường có khả năng chi trả cao, chính sách visa cần hấp dẫn, thay vì cấp visa 15 ngày thì tăng lên 30 ngày và cần visa nhập cảnh nhiều lần.
Khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít hơn nhiều nước trong khu vực |
Du khách khó móc hầu bao
Ông Trương Tấn Sơn, đại diện Saigon Tourist, thẳng thắn cho rằng thủ tục cấp thị thực của Việt Nam nhiều khi khiến người xin cảm thấy không được chào đón. Vì vậy, ông Sơn đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều nước, miễn 5 – 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên.
Bên cạnh đó, ông Sơn đặt vấn đề sản phẩm du lịch của Việt Nam đang nhắm tới là gì, nghỉ dưỡng hay mua sắm giải trí. Hàn Quốc có sâm, châu Âu có shopping, Cuba có xì gà…, Việt Nam đã có những sản phẩm thương mại quốc gia chưa?
Ông Phạm Hà, Giám đốc công ty du lịch Sang Trọng Việt Nam, cho rằng đến nay, chúng ta vẫn loay hoay định vị Việt Nam là điểm đến như thế nào. Từ trước tới nay, chúng ta vẫn định vị là điểm đến văn hóa, nếu vậy khách chỉ đến một lần. Nếu định vị Việt Nam là điểm đến du lịch biển, khách sẽ trở lại để thử những trải nghiệm mới và chúng ta cần tạo điều kiện khách trở lại thuận lợi hơn.
Ông Cao Trí Dũng, Tổng Giám đốc công ty Vietnam Travelmart, cho rằng hiện nay, hạ tầng du lịch Việt Nam chưa đáp ứng hầu hết nhu cầu cơ bản của khách chất lượng cao về hàng không, ăn ngon, ngủ tốt… Để kéo dài thời gian lưu trú của khách, ngành du lịch cần gia tăng tiện ích với những hoạt động như mua sắm, đánh golf, show biểu diễn.
"Hiện, Việt Nam chưa gắn nhu cầu của khách với giá trị văn hóa địa phương. Nếu muốn khách lưu trú trên 10 ngày, cần khai thác giá trị văn hóa cộng đồng, làng nghề…", ông Dũng nhấn mạnh. Ông Dũng cũng đề xuất cần có giải pháp khung pháp lý khi triển khai những cơ sở trong thành phố, các điểm đến lớn, khu trung tâm. Cần hoàn thuế cho khách tại điểm đến thay vì hoàn thuế tại sân bay; triển khai triệt để sản phẩm gắn với văn hóa, nới quy hoạch sân golf hạn chế với khách chất lượng cao…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng hiện nay, khách du lịch vẫn đang bị chặt chém, lừa đảo. Do vậy, cần có một bộ tiêu chí chấm điểm về an ninh trật tự, quản lý môi trường điểm đến, cơ sở hạ tầng, chất lượng và sự hấp dẫn.
Việc công bố xếp hạng sẽ giúp các tỉnh nhìn lại mình. Kết quả này sẽ định hướng du khách tới các nơi có điểm số cao để thúc đẩy du lịch chung của cả nước.
Ngoài ra, liên quan tới năng lực hệ thống kết cấu hàng không hiện nay đang thiếu hụt về hạ tầng, nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế, cản trở phát triển du lịch…, các DN đề xuất cần rà soát quy hoạch, hiện trạng xây dựng các sân bay, kêu gọi khối tư nhân đầu tư một phần hoặc toàn bộ sân bay mới…
Đặc biệt, trước câu hỏi để ngành du lịch Việt Nam phát triển, các chuyên gia, doanh nghiệp có kiến nghị điều gì tới Chính phủ, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thiết tha đề xuất: Phát triển mạnh thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam cho rằng việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm phải làm ngay. Trong khi đó, ông Cao Trí Dũng mong muốn phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa.
Thy Lê