Đã có một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc BVTV của nước này.
Theo quy định của Cơ quan FDA Thái Lan có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thực phẩm tươi nhập khẩu vào nước này sẽ được phân loại thành 3 nhóm dựa trên mức độ rủi ro, cụ thể là: "Nhóm rủi ro rất cao", "Nhóm rủi ro cao" và "Nhóm rủi ro thấp".
Người dân thu hoạch thanh long ruột đỏ để chuẩn bị xuất khẩu. |
Các loại thực phẩm và tên các nhà sản xuất, người bán và các nhà xuất khẩu thuộc "Nhóm rủi ro rất cao" được định nghĩa là những bên không tuân thủ các quy định của Thái Lan liên quan đến dư lượng thuốc BVTV.
Ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết, ông vừa mới xuất 4 container thanh long sang Thái Lan. Do các thành viên HTX áp dụng sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng yêu cầu việc thu hái đảm bảo thời gian cách ly và làm sạch sản phẩm nên đảm bảo chất lượng, sản phẩm được các nước nhập khẩu chấp nhận nên không gặp khó khăn nào.
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Tầm Vu
Tuy nhiên, cùng đợt với ông, có một doanh nghiệp tại Bình Thuận bị phía cơ quan chức năng Thái Lan lấy mẫu kiểm tra, phát hiện vi phạm quy định về dư lượng thuốc BVTV nên đã trả hàng lại, yêu cầu doanh nghiệp phải xử lý.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho trái thanh long ổn định thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị. |
Các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp, HTX có vùng trồng, thực hiện theo VietGAP hay GlobalGAP... thì sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp, HTX chỉ chuyên thu mua hàng hóa trôi nổi rồi xuất khẩu sẽ rất dễ bị vi phạm về dư lượng thuốc BVTV.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khi xuất khẩu sang nhiều thị trường bị sụt giảm vì tác động của dịch bệnh thì riêng tại thị trường Thái Lan, lượng rau quả Việt xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng đột biến tới 234% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79 triệu USD (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 23 triệu USD).
Trước đó, tại triển lãm quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam - Hortex Việt Nam đầu năm 2020, bà Trần Thị Thanh Mỹ - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan cho biết, hiện mới có 4 loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu vào được Thái Lan là thanh long, xoài, nhãn và vải.
Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu rau quả tươi và chế biến khoảng 3,6 tỷ USD nhưng cũng nhập lại khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bà Mỹ, rau quả muốn vào thị trường Thái Lan phải có 2 loại giấy phép quan trọng là giấy phép đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh và chứng nhận quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu không tự đứng ra xin được mà phải nhờ tới nhà nhập khẩu.
Phương Nam