Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho biết như vậy. Ông Tuấn kỳ vọng, trong 5 – 7 năm tới, Việt Nam sẽ có những ứng dụng, mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với Facebook, YouTube tại Việt Nam.
Cạnh tranh người dùng
Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam hiện có 363 trang mạng xã hội_do tổ chức trong nước cung cấp, được cấp phép hoạt động, chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, trong đó, không ít tên tuổi có thể “làm nên chuyện”.
Zalo, một ứng dụng “made in VietNam” của tập đoàn VNG, đang cạnh tranh khốc liệt với Facebook, ít nhất ở hai mảng nhắn tin (chat) và gọi điện. Nếu chỉ tính riêng trong mảng nhắn tin, Zalo hiện đang có hơn 89 triệu thành viên, bám sát Facebook Massenger với 94 triệu thành viên.
Ông Vương Quang Khải – người sáng lập Zalo, cho biết tính đến tháng 8/2017, Zalo đã cán mốc 80 triệu thành viên (tăng 10 triệu người so với tháng 2/2017), trong đó có gần 3 triệu thành viên tại Myanmar. Nên nhớ, Zalo chỉ mới ra đời vào tháng 8/2012 và có 1 triệu người dùng đầu tiên vào tháng 3/2013.
Dù còn hạn chế so với Facebook, nhưng sự phát triển của Zalo chứng minh các ứng dụng của Việt Nam có thể cạnh tranh với các ứng dụng hàng đầu thế giới. Thực tế, Zalo đã vượt qua rất nhiều những tên tuổi nước ngoài tại Việt Nam như Viber, Skype, Line, WeChat, Kakao talk…
Cũng là một sản phẩm của VNG, Zing MP3 từ công cụ tìm kiếm nhạc trực tuyến đã trở thành nền tảng âm nhạc lớn nhất Việt Nam. Mỗi ngày trên Zing MP3 và Zing TV, người dùng dành khoảng 250 triệu phút (tương đương khoảng 500 năm) để nghe nhạc và xem phim. Nếu được đầu tư và trợ lực tốt, Zing MP3 và Zing TV có thể trở thành đối thủ của YouTube.
Một cái tên khác là Cốc cốc, chỉ sau hơn 4 năm đi vào hoạt động đã lần lượt vượt qua hàng loạt các tên tuổi nước ngoài như Firefox, Safari, Explorer, Opera… Với hơn 22 triệu người dùng, Cốc cốc hiện đang là trình duyệt web lớn thứ hai tại Việt Nam chỉ sau Chrome (của Google).
Dự thảo Luật an ninh mạng Việt Nam (khoản 4, điều 34) vừa công bố quy định các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như Facebook, Google, Viber, Amazon… sẽ phải có giấy phép hoạt động và phải đặt máy chủ quản lý ở Việt Nam.
Nếu dự thảo này được thông qua, hai kịch bản có thể xảy ra với Google, Facebook tại Việt Nam. Thứ nhất hai “ông lớn” công nghệ này sẽ rút khỏi Việt Nam. Việc này gây ra nhiều hệ lụy, nhưng cũng sẽ là cơ hội cho các ứng dụng, mạng xã hội trong nước.
Giống như tại Trung Quốc, khi Google, Facebook bị cấm cửa, cơ hội đã dành lại cho các ứng dụng trong nước như Weibo, Reren thay thế cho Facebook, hay QQ (gửi mail), Baidu (tìm kiếm) thay thế cho Google.
Tại Việt Nam, cơ hội sẽ đến với các ứng dụng quốc nội như Zalo, Cốc cốc, Zingme hay bất cứ mạng xã hội nào trong số hơn 363 trang mạng xã hội “made in VietNam” đang hoạt động.
Kịch bản thứ hai, nếu Google, Facebook chấp nhận đặt máy chủ tại Việt Nam, cuộc cạnh tranh nội, ngoại cũng trở nên công bằng hơn. Đơn cử, trong mảng quảng cáo trực tuyến, Facebook và Google (đang chiếm gần 80% doanh thu) lúc này sẽ phải nộp thuế đầy đủ theo quy định, giống như các mạng xã hội trong nước khác.
![]() |
Nếu hình thành được một hệ sinh thái số lớn mạnh, có cơ sở để tin tưởng Việt Nam có thể xây dựng được các ứng dụng thay thế được Facebook và YouTube trong vòng 5-7 năm tới.
Sẽ có những cuộc lật đổ?
Tuy nhiên, chính thông tin từ Bộ TT&TT cho thấy, thực tế Google, Facebook đều đã thuê “hàng nghìn máy chủ của doanh nghiệp tại Việt Nam” – lời một lãnh đạo Cục quản lý Phát thanh và truyền hình (Bộ TT&TT) cho biết.
Mặt khác, các cơ quan chức năng, đại biểu Quốc hội lo ngại việc không quản lý được những ứng dụng, mạng xã hội kiểu Google, Facebook đến từ hai lý do chiến lược sau: một là lộ thông tin công dân Việt Nam và hai là thất thu thuế từ nguồn thu quảng cáo.
Trong đó, việc gây sức ép về đặt máy chủ, hay khai báo lại được kỳ vọng chủ yếu giải quyết được yêu cầu về quản lý thuế. Còn lại, yêu cầu bảo mật thông tin công dân Việt thì chỉ có thể hi vọng vào những ứng dụng, mạng xã hội thuần Việt.
Điều đó giải thích vì sao Chính phủ và Bộ TT&TT khẳng định việc quản lý các mạng xã hội nước ngoài chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài, cần có những mạng xã hội “made in VietNam” đủ sức thay thế hoặc cạnh tranh với Facebook, Google…
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng với những cơ sở đã có, có thể thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách, với điều kiện phải ưu tiên đồng bộ cả về tài chính, thuế và các thủ tục hành chính, từ đó, có những chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ nội dung số các doanh nghiệp trong nước phát triển.
“Nếu hình thành được một hệ sinh thái số lớn mạnh, có cơ sở để tin tưởng Việt Nam có thể xây dựng được các ứng dụng thay thế được Facebook và YouTube trong vòng 5-7 năm tới”, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Nhưng để doanh nghiệp Việt “lật đổ” được về ứng dụng, mạng xã hội của hãng ngoại và để “sau 3 – 5 năm nữa” thực hiện được điều này – như Bộ trưởng Tuấn nói – thì doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn nữa, nhất là đừng chờ lợi thế do Chính phủ tạo ra.
Những lời hứa thường diệu vợi, chỉ thị trường là luôn thực tế. Trong cuộc đua người dùng, nếu doanh nghiệp ngoại luôn lợi thế đi trước về nền tảng công nghệ, Trung Quốc luôn lợi thế với hơn 1 tỷ người dùng, doanh nghiệp Việt đang thiếu cả hai lợi thế chiến lược ấy.
Hiến Nguyễn