Trước đó, trong tháng 8/2022, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) TP Hà Nội đã phối hợp có hiệu quả, tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng.
Phối hợp chặt, xử lý nghiêm
Cụ thể, trong tháng 8, các lực lượng chức năng trong Ban chỉ đạo đã kiểm tra 2.534 vụ; xử lý 2.311 vụ (hàng cấm, hàng lậu 251 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 94 vụ, gian lận thương mại 1.966 vụ); khởi tố 4 vụ đối với 15 đối tượng; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 368 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng Hà Nội phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. |
Trong tháng, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng như: thuốc lá, quần áo, đồ thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm...
Trước tình hình đó, các lực lượng chức năng của TP đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường, với vai trò là cơ quan thường trực đã tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội triển khai, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-QLTT ngày 11/8/2022 về triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu và các văn bản về tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, vi phạm về niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết; bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong tháng, Cục Quản lý thị trường kiểm tra 479 vụ, xử lý 454 vụ; xử phạt hành chính 3,864 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 4,235 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng công an trên địa bàn tăng cường công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng vận chuyển, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu trên địa bàn; tập trung đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm những đối tượng chủ mưu, cầm đầu buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.
Các đơn vị đã kịp thời điều tra làm rõ, đề nghị truy tố các vụ án liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do các cơ quan chức năng khác chuyển đến.
Cụ thể, trong tháng 8, Công an TP phát hiện, bắt giữ 183 vụ, xử lý 145 vụ. Xử phạt hành chính 1,497 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 5,357 tỷ đồng; khởi tố 4 vụ đối với 15 đối tượng.
Về phía Cục Hải quan Hà Nội, trong tháng đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tăng cường công tác thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm do lực lượng Hải quan quản lý.
Các đơn vị tập trung kiểm tra các mặt hàng cấm trọng điểm (ma túy, vũ khí, sản phẩm động vật hoang dã, văn hóa phẩm phản động, linh kiện, thiết bị điện tử đã qua sử dụng); hàng xuất nhập khẩu có điều kiện (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tiền, kim loại quý, xăng dầu, máy móc, thiết bị y tế đã qua sử dụng); hàng có thuế suất cao (thuốc lá, rượu, bia, điện thoại di dộng); hàng hóa tiêu dùng như bánh kẹo, thực phẩm đông lạnh, gia súc, gia cầm.
Cục Hải quan đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác để chia sẻ thông tin nhằm đấu tranh phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm qua biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, trong tháng 8, Cục Hải quan phát hiện, bắt giữ 94 vụ; xử lý 94 vụ; xử phạt hành chính 1,119 tỷ đồng; trị giá hàng vi phạm 4,461 tỷ đồng…
Tập trung vào những “điểm nóng”
Đại diện Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho biết, trong tháng 9 và những tháng cuối năm, Ban chỉ đạo 389 TP tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành và các Ban chỉ đạo quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Trung thu 2022; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Ban chỉ đạo 389 của TP sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo trong cuối năm 2022, để triển khai đồng bộ các hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong các dịp lễ, tết, và những tháng cao điểm. Thời gian này cũng là đặc thù buôn lậu về hàng hoá, gian lận thương mại thông qua các đường biên giới, các khu vực đường hàng không và đường biển, cũng phát sinh thêm tính chất phức tạp cần tập trung để có giải pháp ngăn chặn".
Có thể nói, trên cả nước nói chung và địa bàn Hà Nội nói riêng, hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ có xu hướng tăng, tính chất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các đối tượng thường xuyên dùng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… để bán hàng lậu dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Điển hình như Đội 7 phòng PC03 kiểm tra căn hộ chung cư C14 Tố Hữu, quận Hà Đông đã phát hiện, thu giữ 2.000 hộp thuốc Liên hoa Thanh ôn (bên ngoài bao bì sản phẩm có chữ Trung Quốc) do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đối tượng khai nhận đã lợi dụng mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm.
Để ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường, chủ động đối phó có hiệu quả với hàng giả, hàng lậu, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã yêu cầu: “Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng TP Hà Nội kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, tết… Trong đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng online, bán hàng qua mạng xã hội”.
Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. Riêng các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an, hải quan… cần đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thường xuyên nhận diện phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm, và những thủ đoạn mới phát sinh qua đó xây dựng phương pháp ngăn chặn phù hợp thực tế.
Phương Linh