Mới đây, ngày 1/6, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT TP Hà Nội qua kiểm tra kho hàng tại ngõ 785 đường Nguyễn Khoái (quận Hoàng Mai) của đối tượng Phan Việt Anh (hộ khẩu thường trú Lạng Sơn) đã phát hiện một lượng lớn thuốc trừ sâu Trung Quốc giả mạo thương hiệu Việt.
Kiên trì “mật phục”
Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã bắt quả tang công nhân tại đây đang tiến hành dán nhãn các nguyên liệu thuốc trừ sâu bán thành phẩm do Trung Quốc sản xuất thành sản phẩm Việt với đủ các thương hiệu như: LYPHOXIM, Thài lài Mần trầu, Glysate 480… Đây đều là những “tên tuổi lớn trong làng thuốc bảo vệ thực vật” của Việt Nam được bà con nông dân tin dùng.
Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra kho thuốc bảo vệ thực vật tại ngõ 785 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai |
Sau khi kiểm đếm, phân loại, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ 732 can và 12.015 chai thuốc trừ cỏ - tương đương với 17.900 lít.
Trưởng phòng nghiệp vụ khu vực phía Bắc Chi nhánh Hà Nội của CTCP Bảo vệ thực vật Sài Gòn Nguyễn Đăng Dương khẳng định, sản phẩm thuốc trừ cỏ mang tên LYPHOXIM bị Đội QLTT số 1 kiểm tra tại kho hàng của ông Phan Việt Anh là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu thuốc Bảo vệ thực vật Sài Gòn.
“Đáng chú ý, có những sản phẩm chứa thành phần glyphosate đã bị Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách cấm lưu hành kể từ ngày 30/6/2021”, ông Dương thông tin.
Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hoàng Đại Nghĩa cho biết, đây là một trong những vụ việc vi phạm lớn đối với mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật mà đơn vị phát hiện và xử lý trên địa bàn Hà Nội. Đối với vụ việc này, QLTT Hà Nội đã phải thu thập, ghi nhận thông tin từ nhiều tỉnh, thành phố về thủ đoạn vận chuyển, sản xuất, tiêu thụ của các đối tượng, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan như công an, doanh nghiệp để tiến hành xác minh dấu hiệu vi phạm mới có thể tiến hành kiểm tra.
Trước mắt, lực lượng chức năng xác định trong toàn bộ hàng hóa thu giữ tại hiện trường có sản phẩm mang tên LYPHOXIM là hàng giả mạo nhãn hiệu. Tuy nhiên, đây là vụ việc lực lượng chức năng bắt quả tang khi đối tượng vi phạm đang dán nhãn, đóng gói mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật Trung Quốc, trong đó có những thành phần cấm sử dụng thành sản phẩm Việt.
“Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà gây nguy hiểm đến sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng sản phẩm. Vì vậy đối với vụ việc này, chúng tôi sẽ chuyển giao ngay cho cơ quan công an tiến hành xác minh, xử lý hình sự để mang tính chất răn đe. Bà con nông dân, hợp tác xã nên mua hàng chính hãng từ hệ thống đại lý lớn của doanh nghiệp Việt Nam để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, không tuỳ tiện mua hàng rẻ, hàng không rõ nguồn gốc chất lượng bởi ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người nông dân, sau đó là người tiêu dùng”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Nhận diện các phương thức thủ đoạn mới
Trước đó, trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389) đã phát hiện, kiểm tra 4.675 vụ buôn lậu, hàng giả; xử lý hơn 4.400 vụ, khởi tố 42 vụ đối với 59 đối tượng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 538,5 tỷ đồng.
Bước vào tháng 4, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được các lực lượng chức năng Thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát; tuy nhiên tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ… vẫn còn xảy ra; đặc biệt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ chuyển phát nhanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ và các giải pháp hiệu quả về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ việc lớn có liên quan đến các mặt hàng như quần áo, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, thuốc lá, xăng dầu…
Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo đó, trong tháng 4/2022, các lực lượng chức năng trên địa bàn Thành phố đã kiểm tra 1.204 vụ; xử lý 944 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 12 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu: 179 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 62 vụ, gian lận thương mại 703 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 57,142 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính: 22,396 tỷ đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Hải quan, Thuế): 34,746 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, để chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, trong thời gian tới, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 Thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 02/KH-BCĐ389/TP của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình theo lĩnh vực, địa bàn quản lý; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên nhận diện các phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm và các thủ đoạn mới phát sinh.
Phương Linh