Đây là chia sẻ của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại Tọa đàm “Tìm giải pháp chống hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng” diễn ra ngày 15/12.
Doanh nghiệp nơm nớp với hàng giả, hàng nhái
Bà Hạnh cho biết, có 3 yếu tố mới khiến doanh nghiệp nội đang rất lo lắng, đó là dù đang mùa cao điểm mua sắm nhưng sức mua trên thị trường giảm rõ rệt. Ngay cả siêu thị đông khách nhất là BigC có những lúc rất vắng khách, dù gần đến Noel nhưng sức mua không tăng. Thứ hai là sức mua giảm, triển vọng thị trường bất định. Thứ ba là do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tap, nhiều địa phương vẫn khoanh vùng thực hiện giãn cách, nên kinh doanh trên mạng bùng nổ. Lợi dụng điều này, nhiều cá nhân, tổ chức đã kinh doanh hàng giả, hàng nhái thương hiệu sản phẩm trong nước.
Hàng giả, hàng nhái đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp trong nước. |
Bà Hạnh cho biết: “Các thành viên của chúng tôi rất bức xúc, bởi hàng giả hàng nhái đang gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì không bán được hàng, thậm chí sản phẩm của doanh nghiệp làm ăn chân chính còn bị loại khỏi thị trường, bị mất uy tín, mất thương hiệu nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời”.
Theo dõi một số vụ làm giả hàng gần đây, bà Hạnh dẫn ví dụ từ vụ làm giả các sản phẩm hàng sấy của Vinamit: “Tại một diễn đàn trên mạng, đối tượng làm giả thương hiệu Vinamit công khai đăng tải thông tin quảng cáo sản phẩm và tham khảo ý kiến khách hàng về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp không làm sao ngăn chặn hết được hàng giả vì chặn chỗ này thì chỗ khác lại mọc ra”.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát khiến nguồn thu của người dân bị co hẹp, khi túi tiền của người tiêu dùng giảm thì họ sẵn sàng chấp nhận mua hàng giả vì giá rẻ hơn, trong khi đó hình thức rất giống hàng thật. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng.
Trên thực tế, việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái sẽ bị xử lý hình sự, hình phạt cao nhất từ 6-15 năm tù, còn mặt hàng trực tiếp gây hại cho tính mạng và sức khoẻ người tiêu dùng có thể lên đến tử hình, nhưng việc phát hiện và theo đuổi đến cùng để xử lý có nhiều khó khăn. Chưa kể yếu tố tâm lý doanh nghiệp lo ngại sự việc bùng lên, thiệt hại trước mắt vẫn là doanh nghiệp vì người tiêu dùng sẽ “né tránh” không muốn sử dụng sản phẩm, thương hiệu đó nữa.
Trong khi đó, quá trình cơ quan chức năng điều tra thường kéo dài khiến cho các đối tượng có thời gian tẩu tán tang vật, hoặc thống nhất với nhau để làm sai lệch sự thật. “Vì vậy, dù luật đã có nhưng thực thi chưa đồng bộ, nên không có tác dụng và hiệu quả”, bà Hạnh cho hay.
Cần sự chung tay của các bên
Dưới góc độ của cơ quan thực thi, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cũng thừa nhận, dịch Covid-19 bùng phát là “cú hích” giúp cho việc kinh doanh thương mại điện tử bùng nổ. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để kinh doanh, quảng bá hàng giả, hàng nhái, gây thiệt hại cho ng tiêu dùng và thất thu thuế cho Nhà nước.
"Việc phát hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng bằng mắt thường rất khó xác định. Trong khi đó, chưa có chế tài cụ thể quy định về xử phạt giả mạo xuất xứ hàng hoá, nhãn hiệu… Với hàng giả, hàng nhái khi bị bắt , cơ quan chức năng cũng chưa có giá của hàng thật để so sánh, làm căn cứ để xử lý".
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan
Theo nhận định của ông Lê, hiện tượng buôn lậu các thiết bị y tế, khẩu trang diễn ra nhiều nhất do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, cuối năm nhu cầu các sản phẩm phục vụ cho Tết như bánh kẹo, thực phẩm, rượu bia… cũng được làm giả và nhái rất nhiều.
Để ngăn chặn giảm thiểu tình trạng hàng giả hàng nhái, Tổng cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận hàng giả đặc biệt dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2022. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh kiểm tra công vụ, phát hiện những cán bộ tiếp tay, làm ngơ cho hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Lê khuyến cáo người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm liên quan sức khoẻ phải lựa chọn sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép và lưu hành, không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa xác định được mức độ an toàn cho sức khoẻ.
Đối với doanh nghiệp, nên chủ động tăng cường liên hệ cơ quan chức năng để chống hàng giả, phải xin cấp phép sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. “Trong trường hợp người tiêu dùng và doanh nghiệp phát hiện tổ chức cá nhân buôn bán sản xuất hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ thì báo với cơ quan chức năng, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông Lê khuyến cáo.
Đại diện Ban chỉ đạo 389, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế bất cập trong công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.
"Trong một số vụ việc, sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi chưa được tốt do các bên chưa thực sự tin tưởng nhau vì quá trình xử lý có tình trạng cán bộ tiếp tay, làm ngơ cho đối tượng; Hay khi các cơ quan chức năng như hải quan hay quản lý thị trường chuyển sang cơ quan điều tra xử lý hình sự, nhưng sau một thời gian, cơ quan công an không xử lý được vì chuyển hồ sơ sang muộn, các đối tượng đã lợi dụng phối hợp với nhau thống nhất lời khai, tẩu tán tang vật. Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ rà soát, phát hiện những sự bất cập để báo cáo đến Ban chỉ đạo sửa đổi bổ sung cho phù hợp", ông Dũng nói.
Thanh Hoa