Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng các thị trường cung cấp rau quả cho EU trong nửa đầu năm nay, Việt Nam chỉ chiếm 0,2% thị phần. |
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, trong khi quả thanh long xuất khẩu với trị giá lớn nhất giảm mạnh, thì xuất khẩu quả chuối và sầu riêng có trị giá tăng mạnh.
Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu. Trong 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu chủng loại này đạt 660,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp.
Do đó, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả.
Đặc biệt, phân tích ở thị trường EU, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, nhập khẩu hàng rau quả chế biến của EU (HS 20) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 9,2 triệu tấn, trị giá 12,7 tỷ Euro (tương đương 12,2 tỷ USD), tăng 2,9% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 1.379,6 Euro/tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Dung lượng thị trường nhập khẩu hàng rau quả chế biến rất lớn, tuy nhiên, thị phần hàng rau quả chế biến của Việt Nam tại EU rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân là do ngành hàng rau quả chế biến của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường.
EU là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Nông sản nhập khẩu phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.
Theo các Tham tán thương mại Việt Nam tại châu Âu, doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận thị trường EU bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon. Bởi các sản phẩm nước ép trái cây, nước ép đông lạnh đang được ưa chuộng tại EU, do người dân khu vực này đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Tuy nhiên, để thâm nhập được vào thị trường EU, các doanh nghiệp của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, đồng thời cũng cần đầu tư vào công nghệ chế biến.
Thy Lê