Hiện, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: 16.056 đồng/lít xăng E5RON92, 16.812 đồng/lít xăng RON95-III, 13.035 đồng/lít |
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu vừa qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định giá xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít, dầu diesel 0.05S giảm 1.750 đồng/lít.
Có thể giảm xuống dưới 16.000 đồng/lít
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng giá xăng dầu trong nước vẫn còn có thể giảm sâu hơn nếu vận hành đúng theo thị trường. Bởi trong 15 ngày trước kỳ điều hành vừa qua, giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh. Theo đó, giá bình quân xăng dầu ở mức 48,692 USD/thùng xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92), tức giảm 13,53 USD/thùng; 50,350 USD/thùng xăng RON95, giảm 13,84 USD/thùng.
Nguyên nhân là dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới khiến nhu cầu đi lại và sản xuất giảm, trong khi nguồn cung tăng khiến giá giảm mạnh, đặc biệt sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố Covid-19 là đại dịch.
Bên cạnh đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận giải cắt giảm sản lượng khiến giá giảm sốc nhất trong hơn một năm qua.
Tuy nhiên, do phải trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 là 200 đồng/lít, xăng RON 95 và dầu diesel 800 đồng/lít nên giá xăng dầu trong nước mất đi cơ hội giảm giá sâu hơn.
Một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải (cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không) đang phải dừng nhiều chặng vận chuyển do hành khách suy giảm, cơ quan quản lý cần yêu cầu xả Quỹ bình ổn hoặc dừng trích Quỹ bình ổn để chia sẻ với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước nhằm kích cầu.
“Nếu không trích Quỹ, giá hai mặt hàng xăng này sẽ giảm xuống dưới 16.000 đồng/lít (tương đương giảm 30%). Như vậy, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn”, một chuyên gia cho hay.
Giám đốc một công ty đầu mối xăng dầu ở Hà Nội cũng thừa nhận, nếu cơ quan quản lý không trích Quỹ bình ổn giá thì giá mặt hàng xăng có thể giảm trên 3.000 đồng/lít. Tuy nhiên, ông cho rằng nhà điều hành đã tính toán nhiều yếu tố mới quyết định mức trích lập Quỹ để ổn định thị trường.
Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), lý giải nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước không giảm sâu cùng nhịp với giá thế giới là do tại Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu có quy định trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngoài độ trễ điều hành giá theo bình quân 15 ngày, nhà điều hành cũng phải tính tới kịch bản để có dư địa cho kỳ điều hành tiếp theo nếu giá dầu bật tăng trở lại.
"Tình hình địa chính trị rất phức tạp, giả sử Nga và OPEC đạt được thoả thuận, giá dầu có thể bật tăng 30-40%, nên phải để dư địa cho kịch bản giá dầu tăng sốc trở lại", ông Đông nói.
Khi nào bỏ Quỹ?
Lâu nay, xung quanh việc tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Cuối năm 2019, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát cho rằng cơ sở để bình ổn giá đã “không còn phù hợp”.
“Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng. Mặt khác, theo Luật Giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có Quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp”, Đoàn giám sát nêu.
Do đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần rà soát, tổng kết đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ và tiến hành sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan đến phương pháp tính giá cơ sở và cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch.
Cũng trong năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này tiệm cận hơn với thế giới. Theo Hiệp hội, việc trích lập Quỹ 300 đồng/lít theo quy định tại Nghị định 83 khiến người tiêu dùng "chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho Quỹ.
Các chuyên gia cũng nhiều lần kiến nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu trong nước tự điều chỉnh theo giá thị trường.
Tuy nhiên, những đề xuất này sau đó đã bị Bộ Công Thương và Tài chính bác bỏ. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng dầu.
Thực tế, thời gian qua, cũng có thời điểm vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu phát huy tác dụng. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhờ có Quỹ bình ổn nên mức giá trong nước kiềm chế được mức tăng “sốc”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng lập luận vẫn cần Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.
Hoàng Hà