Công ty phân tích và tư vấn toàn cầu Astute Analytica vừa công bố Báo cáo về thị trường bia Việt Nam, đưa ra những nhận định về sự đột phá và cơ hội đầy tiềm năng đến năm 2032. Với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 7,27% từ năm 2024 đến 2032, ngành công nghiệp bia tại Việt Nam không chỉ là điểm sáng của khu vực Đông Nam Á mà còn đóng vai trò quan trọng trong bức tranh toàn cầu. Đây là sân chơi của các "ông lớn" với những bước chuyển mình đầy ngoạn mục.
Bước chuyển mình ấn tượng
Thị trường bia Việt Nam năm 2023 đã ghi nhận những con số ấn tượng, với mức tiêu thụ đạt 3,8 triệu kilolit, chiếm 2,2% thị phần toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam vươn lên dẫn đầu ASEAN và đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.
Mức độ tập trung của thị trường rất cao, với sự thống trị của bốn thương hiệu lớn: Sabeco, Habeco, Heineken, và Carlsberg. Heineken Việt Nam sở hữu nhà máy bia Vũng Tàu – lớn nhất Đông Nam Á, sản xuất 1,1 tỷ lít mỗi năm, trong khi Sabeco vận hành 26 nhà máy với công suất 2,2 tỷ lít, xuất khẩu sang 30 quốc gia.
Bên cạnh đó, Habeco và Carlsberg cũng đóng góp không nhỏ với sản lượng lần lượt 800 triệu lít và 360 triệu lít mỗi năm. Sự hiện diện của các thương hiệu quốc tế như Budweiser, Corona, và Stella Artois cũng gia tăng sức ép cạnh tranh, khiến thị trường ngày càng sôi động.
Quy mô Thị trường Bia Việt Nam, 2019-2032 (Triệu USD) |
Theo phân tích của Astute Analytica, có 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thị trường bia ở Việt Nam. Thứ nhất, nhân khẩu học trẻ và thu nhập tăng cao. Việt Nam có dân số trẻ chiếm phần lớn, với khả năng tiêu dùng tăng cao nhờ sự gia tăng thu nhập khả dụng. Nhóm nhân khẩu học này không chỉ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ bia mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và đa dạng sản phẩm.
Thứ hai, đô thị hóa và văn hóa xã hội. Quá trình đô thị hóa đã mở rộng số lượng quán bar, nhà hàng, và các địa điểm giải trí, từ đó thúc đẩy tiêu thụ bia. Trong khi đó, bia tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các dịp lễ kỷ niệm và tụ họp xã hội, củng cố vị trí không thể thay thế trong đời sống người Việt.
Cuối cùng là sự đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường bia Việt Nam cung cấp nhiều loại sản phẩm từ bia phổ thông đến cao cấp, đáp ứng đa dạng khẩu vị và mức thu nhập. Điều này giúp thị trường tiếp cận được nhiều đối tượng tiêu dùng và duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.
Cơ hội mở rộng và nâng cao chất lượng
Tuy nhiên Astute Analytica nhận định, ngành công nghiệp này không tránh khỏi những thách thức, bao gồm các quy định kiểm soát nghiêm ngặt và sự biến động kinh tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn và hạn chế quảng cáo. Điều này không chỉ tăng giá bán lẻ mà còn tác động trực tiếp đến thói quen tiêu dùng.
Giá mạch nha, hoa bia, gạo và đường ngày càng leo thang, tạo thêm áp lực chi phí lên các nhà sản xuất. Điều này đòi hỏi ngành công nghiệp bia phải tìm kiếm các giải pháp sản xuất hiệu quả hơn để duy trì sức cạnh tranh.
Bất chấp những thách thức từ chính sách kiểm soát và biến động kinh tế, thị trường này vẫn tràn đầy tiềm năng nhờ sự gia tăng tiêu dùng nội địa và triển vọng xuất khẩu tích cực.
Trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 82,5 triệu USD bia, với các thị trường chính là Hoa Kỳ, Singapore và Thái Lan. Ngược lại, nhập khẩu bia chỉ đạt 27,4 triệu USD. Đây là cơ hội để các thương hiệu bia Việt Nam mở rộng phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường lân cận.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến bia hữu cơ, ít cồn, hoặc thân thiện với môi trường. Việc đầu tư vào phát triển các sản phẩm này không chỉ giúp các thương hiệu đáp ứng nhu cầu mới mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người tiêu dùng quốc tế.
Bia thủ công và bia cao cấp lên ngôi
Một trong những xu hướng đáng chú ý là sự chuyển dịch của người tiêu dùng từ bia phổ thông sang các phân khúc cao cấp và thủ công. Bia thủ công đang nổi lên như một thị trường ngách với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Các thương hiệu như Pasteur Street Brewing hay Heart of Darkness đã góp phần đưa phân khúc này đến gần hơn với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bia cao cấp nhập khẩu như Budweiser, Corona, và Stella Artois ngày càng được ưa chuộng. Các khảo sát cho thấy, người Việt sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để trải nghiệm chất lượng và sự khác biệt. Sự gia tăng của các lễ hội bia và sự kiện quảng bá, cùng với việc tận dụng mạng xã hội và tiếp thị kỹ thuật số, đã tạo đà cho sự phổ biến của các phân khúc này.
Phân khúc bia nhẹ hiện đang dẫn đầu thị trường, chiếm doanh thu 4,8 tỷ USD vào năm 2023. Với hương vị tươi mát, dễ uống và giá cả hợp lý, bia nhẹ là lựa chọn phổ biến cho nhiều đối tượng. Dự báo, phân khúc này sẽ tiếp tục tăng trưởng với CAGR 7,61% trong giai đoạn 2024-2032.
Theo phân tích của Astute Analytica, kênh ngoại tuyến vẫn chiếm ưu thế với doanh thu 3,98 tỷ USD vào năm 2023. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng rượu là điểm mua sắm chủ yếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, kênh trực tuyến đang tăng trưởng nhanh chóng với CAGR 7,46%, nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và thói quen mua sắm trực tuyến.
Các thương hiệu lớn như Sabeco và Heineken đang tích cực đầu tư vào chuyển đổi số và phát triển bền vững. Sabeco đặt mục tiêu đạt doanh thu ròng 40,28 nghìn tỷ đồng (1,72 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế 246 triệu USD trong năm 2023. Điều này phản ánh sự lạc quan của các công ty trong việc khai thác tiềm năng của thị trường.
Ngoài ra, sự đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và mở rộng ra thị trường quốc tế là các yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu duy trì vị thế dẫn đầu.
Thùy Linh