Quản lý lỏng lẻo khiến tình trạng phân bón giả tràn lan
Ngày 20/11 tại cuộc toạ đàm trực tuyến “Tăng cường quản lý thị trường phân bón”, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, thị trường phân bón tại Việt Nam đang phát triển tự phát dẫn đến dư thừa. Bên cạnh đó, việc quản lý lỏng lẻo khiến tình trạng phân bón giả tràn lan như hiện nay.
Phân bón dư thừa lớn
Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến thời điểm này, số lượng sản phẩm phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam là 14.174 sản phẩm, cả phân bón vô cơ và hữu cơ. Trong đó, phân hữu cơ chiếm 53%. Cơ sở sản xuất có 706 nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm hợp quy vẫn đang được Bộ Công Thương tiếp tục gửi về, nên số lượng phân bón vẫn tiếp tục tăng.
Với số lượng phân bón và nhà máy sản xuất như trên, thì lượng phân bón vô cơ là 26,5 triệu tấn và phân hữu cơ khoảng 2,5 triệu tấn và hằng năm nhập khẩu 4 triệu tấn. Như vậy, tổng sản lượng phân bón là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hằng năm chỉ cần từ 10 đến 11 triệu tấn).
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay thì số lượng phân bón dư thừa là quá lớn dẫn tới một hệ lụy là phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, người dân khó nhận biết, chọn lựa. “Khi kiểm tra chỉ với 56 cơ sở sản xuất đã có 20 cơ sở không có giấy phép”, ông Trung nói.
Ông Trung khẳng định, nếu không quản lý chặt thị trường phân bón sẽ rất khó xử lý. Chính vì vậy, Nghị định 108 ra đời nhằm siết chặt quản lý ngay từ đầu vào và tất cả các khâu trong sản xuất.
Theo ông Trung điểm mới trong Nghị định 18 đó là, trước đây là hai bộ quản lý thì nay thống nhất chỉ do Bộ NN&PTNT quản lý để tạo chủ động và tránh chồng chéo.
Đánh giá về quy định mới này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giao cho Bộ NN&PTNN thống nhất quản lý phân bón là phù hợp nhất. Thực tế, trên thế giới chưa có nước nào giao cho Bộ Công Thương quản lý phân bón.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, năm 2016, Hiệp hội có điều tra sơ bộ trên 1.000 đơn vị sản xuất, sau đó có đề nghị làm điểm tại TP. Hồ Chí Minh kiểm tra một quận với 56 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó có 20 đơn vị không có giấy phép, khởi tố 13 vụ và bắt 13 bị can.
Lấy ví dụ vụ phân bón giả của Công ty Thuận Phong thời gian qua, ông Thúy bức xúc cho rằng, vụ việc đã trải qua 2 năm với 2 đời Thủ tướng nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”. Ông Thúy cho biết đây là hiện tượng vô cùng nguy hiểm và nhận định, phải có lợi ích nhóm từ trên xuống, cố tình làm sai lệch quy định của nhà nước.
Do đó, ông Thuý cho rằng, Nghị định 108 ra đời là công cụ pháp lý về văn bản của nhà nước quy định làm theo quy tắc, nhưng không phải là “vũ khí thần tiên” để dẹp nạn phân bón giả. Bởi lẽ Nghị định dù có mạnh đến đâu, nếu khâu tổ chức không được tốt, không ngăn chặn lợi ích nhóm và các cơ quan sản xuất vẫn còn gian lận, sẽ không bao giờ thành công.
Đồng tình với ý kiến của ông Thuý, ông Trung cho rằng, sản xuất phân bón là lĩnh vực với nhiều công việc đồ sộ, nhạy cảm, đằng sau đó không loại trừ có yếu tố lợi ích nhóm. Đầu tiên, ngoài việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ đầu vào, thì tổng rà soát không những ở lĩnh vực sản xuất phân bón mà cả lĩnh vực phân phối lưu thông, cộng thêm là rà soát các phòng kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng phân bón.
“Hiện nay, chúng tôi đã có kế hoạch cụ thể rà soát đánh giá lại các phòng kiểm nghiệm. Hệ thống này phải hoạt động thực sự đúng theo quy định của pháp luật và bảo đảm độ chính xác cao”, ông Trung cho hay.
Ngoài ra, đại diện Cục bảo vệ thực vật cho biết, để Nghị định 108 thực sự là “bàn tay thép” đối với lĩnh vực chống sản xuất phân bón giả phải đồng bộ thực hiện và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên ngành, ví dụ như với các hiệp hội, Hội Nông dân, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia… để xử lý có hiệu quả.
Thanh Hoa