Thị trường Nhật Bản luôn được đánh giá là "miếng bánh" hấp dẫn đối với nông sản của nhiều nước. Bởi vậy, nông sản Việt Nam xuất sang Nhật cũng phải vượt qua những đối thủ đi trước thì mới có thể chinh phục được khách hàng.
Nông sản Việt không phải 'một mình một chợ'
Phân tích khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết như mặt hàng chuối Việt Nam được đánh giá cao tại Nhật Bản nhưng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ chuối của Philippines, Mexico, Ecuador... Lợi thế của các nước trên là họ có trang trại với quy mô hàng nghìn ha và đã chinh phục thị trường Nhật từ khá lâu.
Bên cạnh quả vải thiều tươi, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm. |
Với mặt hàng xoài, hiện nay chỉ có xoài Cát Chu của Việt Nam được xuất sang Nhật. Xoài Việt Nam phải cạnh tranh với xoài Thái Lan, Mexico. Thị phần xoài Việt chỉ chiếm 5,5%, trong khi của Mexico chiếm 49%, Thái Lan chiếm 17,1%.
Ông Minh cho biết những điểm hạn chế của quả xoài Việt Nam là khâu bảo quản, xử lý sau thu hoạch. "Nhiều doanh nghiệp vẫn cứ chủ quan là xuất sang nếu không đạt thì trả về nhưng thực sự ở Nhật, một lần vi phạm sẽ bị cơ quan chức năng của họ ghi lại, độ tín nhiệm suy giảm, chưa kể tốn kém về chi phí xử lý lô hàng".
Đồng thời với các sản phẩm vải thiều, nhãn, chôm chôm, ông Minh cho biết đây là sản phẩm mới ở thị trường Nhật Bản. Người dùng Nhật sử dụng vải rất nhiều, thị phần vải của Việt Nam đang nâng lên cao đạt khoảng 350 tấn mỗi năm xuất khẩu sang Nhật. Tuy nhiên, để khi nhắc tới trái vải thiều, người Nhật phải nghĩ ngay tới sản phẩm Việt Nam thì vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó lại quay trở lại vấn đề chất lượng.
Ông Minh cho biết: "Vừa rồi cơ quan chức năng của Nhật thông tin nâng mức kiểm soát chất lượng đối với trái vải thiều nhập khẩu. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý".
Đồng thời, vị Tham tán thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết nông sản Việt Nam cần đẩy mạnh chế biến sâu, như trái vải ngoài sản phẩm tươi có thể làm quả vải đông lạnh, sấy khô.
"Chúng tôi đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam tại thị trường Nhật nhưng mong muốn lớn nhất là chất lượng của chúng ta cần được nâng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào bao bì", ông Minh cho biết.
Theo Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, bao bì tiêu dùng ở Nhật thường thay đổi theo mùa, mùa hoa anh đào in thêm hình hoa anh đào, mùa hè thêm hình bắt mắt, mùa đông có lá đỏ, nhãn mác đầy đủ thông tin.
Nông sản Việt nhưng mang thương hiệu của Nhật
Liên quan tới vấn đề chất lượng, ông Lê Duy Lung, đại diện công ty nhập khẩu nông sản ở Nhật Bản, cho hay vấn đề lớn nhất khi nhập khẩu nông sản Việt Nam là chất lượng.
Ông Lung cho biết, đơn hàng số lượng ít thì doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng khá tốt nhưng với số lượng lớn, đi liên tục thì xuất hiện tình trạng chất lượng không đồng đều như cam kết. Điều này dẫn tới tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu, nhiều khi không tìm được tiếng nói, cách giải quyết mà phải nhờ tới trọng tài quốc tế, hoặc theo đuổi các vụ kiện.
Ông Lung cho hay, hệ thống siêu thị của Nhật có chục ngàn cửa hàng, một khi hàng phải quay đầu thì chỉ tính chi phí vận chuyển thôi cũng đã đủ khiến doanh nghiệp sập tiệm. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm tới điều này, tránh mất đi uy tín, mất đơn hàng vào doanh nghiệp nước khác.
Trong khi đó, đề cập về vấn đề xây dựng thương hiệu, ông Vũ Hoàng Đức, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản, thẳng thắn nhận định thương hiệu đặc sản Việt Nam còn thiếu vắng trên thị trường quốc tế, sản phẩm chỉ được xuất khẩu ở nguyên liệu thô, đến tay người tiêu dùng được mang bao bì, tem nhãn hoàn toàn Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng không phủ nhận thời gian qua, Chính phủ Việt Nam có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá đặc sản Việt Nam vào Nhật Bản. Một số sản phẩm định vị được tên tuổi như gạo, cà phê, cá da trơn, xoài, thanh long, vải thiều. Tuy nhiên chưa phát huy được tiềm năng nông sản Việt Nam. Do vậy, cần tăng cường cơ chế liên kết và sự chung tay nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học để đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.
Trong đó, Nhà nước cần tăng cường hơn việc hỗ trợ về thể chế, chính sách và chương trình xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực sản xuất đặc sản địa phương, nâng cao năng lực cho nhà sản xuất để triển khai thiết lập hệ thống vận hành quảng bá thương hiệu.
Nhà nông cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tuân thủ quy định đảm bảo chất lượng, đặc thù sản phẩm, tuân thủ quy định của hệ thống, nhất là truy xuất nguồn gốc, tạo nền tảng xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hoá thị trường, xoá bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng.
Nhật Linh