Nhằm cụ thể hóa thỏa thuận đã ký với đối tác Nhật từ cuối năm 2021, về xuất khẩu 20.000 tấn đậu đỏ sang Nhật mỗi năm. Cuối tuần trước, Mia Group, Tập đoàn Endo Seian của Nhật Bản, công ty Real Estale Vietnam và công ty Nông nghiệp Chiềng Sung đã xuống giống trồng thử nghiệm 10ha đậu đỏ tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Sản xuất theo chuẩn hữu cơ Nhật
Đây là vùng trồng đậu đỏ đầu tiên được trồng theo quy trình hữu cơ của Nhật Bản, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng khắt khe để xuất khẩu sang thị trường này.
Vải thiều là một trong những nông sản của Việt Nam trải qua nhiều quy trình khắt khe để đến được với thị trường Nhật Bản. |
Trước đó, theo ký kết cuối tháng 11/2021, Mia Group và Endo Seian thỏa thuận hợp tác cung ứng đậu đỏ trong 5 năm với tổng giá trị giao dịch gần 800 tỷ đồng. Dự kiến sản lượng năm đầu tiên gieo trồng là 2.000 tấn mỗi năm, các năm tiếp theo đạt 20.000 tấn.
Bà Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch Mia Group cho biết, đã đề ra tiến độ trồng thử tại tại Sơn La, Hà Giang và Nghệ An vào tháng 3. Đến tháng 4 sẽ mở rộng vùng trồng lên 1.000 ha. Riêng huyện Mai Sơn và Vân Hồ của Sơn La là 100 ha mỗi nơi. Diện tích các vùng trồng sẽ tiếp tục mở rộng trong hai năm tới. "Đầu tháng sau, chúng tôi sẽ giao trồng tại Hà Giang và Nghệ An", bà Huyền nói.
Đại diện Tập đoàn Endo Seian cho biết, hợp tác với Mia Group không chỉ là xuất nhập khẩu đơn thuần, mà sẽ cùng với Mia Group để đảm bảo quy trình trồng trọt và chế biến đáp ứng các yêu cầu chất lượng khắt khe của Nhật Bản, từ đó sẽ nhân rộng mô hình hợp tác này đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Một doanh nghiệp khác là công Ty Cổ Phần Phát Triển Nông Nghiệp Hải Âu (Seagull ADC), ở Ấp Thanh Thuận, Xã Đông Thạnh, Huyện Châu Thành, Tỉnh Hậu Giang. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) Việt đầu tiên chinh phục được tiêu chuẩn Organic JAS, hiện đang ứng dụng công nghệ nhà màng tiên tiến và áp dụng công nghệ điều khiển vi khí hậu (điều chỉnh tự động lượng nước tưới, độ ẩm, nhiệt độ, lượng phân bón, ...) của Israel để trồng dưa lưới Nhật Bản. Các sản phẩm của doanh nghiệp đều đạt chất lượng cao, giàu dinh dưỡng, an toàn mà không sử dụng các loại phân bón hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
Chia sẻ về hành trình chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, ông Trần Phong Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Seaguli ADC cho rằng, sản xuất hữu cơ rất khó, nhưng không vượt khó và thay đổi thì không thể nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, rau củ, quả, trái cây... của Việt Nam. Tại Seaguli ADC đã từng bước thực hiện hành trình đạt tiêu chuẩn chất lượng từ VietGAP, GlobalGAP và kể cả Organic JAS.
Để triển khai sản xuất hữu cơ thì đơn vị sản xuất phải có đất hữu cơ trước và bắt buộc cải tạo đất trong khoảng 3 năm, đồng thời trong quá trình sản xuất phải thực hiện ghi chép, tuân thủ quy trình...
Trong khu vực kinh tế hợp tác đang nổi lên Hợp tác xã Tấn Đạt (Vĩnh Long), HTX này đang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất-tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lúa được sơ chế, đóng gói nên lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường. Bên cạnh đó, HTX Tấn Đạt còn nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường từ 200-300 sản phẩm/tháng.
Ông Đoàn Văn Tài, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Dịch vụ Tấn Đạt, cho hay, qua hành trình 10 năm không ngừng nỗ lực đã thu hút được 65 thành viên, với diện tích đất 100ha, hướng đến một mục tiêu duy nhất là chứng nhận hữu cơ. Hiện tại, HTX Tấn Đạt đã được cấp chứng nhận hữu cơ cho vùng trồng lúa dựa trên tiêu chuẩn hữu cơ ở ba thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
"Muốn làm hữu cơ, trước hết phải thống nhất làm sao để các thành viên HTX phải thực hiện một quy trình sản xuất, để tất cả mọi người cùng tuân thủ, cùng làm. Thứ hai, các nhà khoa học nên nghiên cứu từng vùng đất để đưa ra quy trình chuẩn từ đó các hộ nông dân, các HTX đưa vào áp dụng thống nhất. Thứ ba, muốn làm hữu cơ phải chấp nhận ba năm đầu không có lợi nhuận vì trong thời gian cải tạo đất, năng suất sụt giảm 30%. Nhưng bên cạnh đó có thể vận dụng các chính sách của nhà nước hiện có để hỗ trợ thêm cho bà con cho sản xuất hữu cơ", ông Tài chia sẻ kinh nghiệm.
Đáp ứng chuẩn JAS không quá khó
Còn nhớ, năm ngoái để có thể đưa quả vải thiều Bắc Giang sang Nhật Bản tiêu thụ thì các bước từ thu hoạch đến lúc lên kệ đều được giám sát nghiêm ngặt. Trước đó, Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều của Bắc Giang và cho phép nhập khẩu loại nông sản này.
Để đưa được quả vải thiều sang Nhật Bản với giá cao ngất ngưởng thì phải trải qua 13 bước, trong đó riêng việc xử lý sau thu hoạch và bảo quản phải trải qua 10 bước. Trong đó, mỗi bước đều được thực hiện tỉ mỉ, kỹ lưỡng và giám sát chặt chẽ từ khâu cắt cuống, lựa chọn kích cỡ, trọng lượng, đóng rổ, khử trùng, rửa, xử lý bằng dung dịch, làm ráo, đóng gói/đóng thùng, làm lạnh sơ bộ… cho đến việc vận chuyển xuất khẩu.
Hiện còn không ít nông dân Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng sản xuất, chế biến, đóng gói theo quy trình và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó, có thị trường Nhật Bản. Để đáp ứng tiêu chuẩn JAS của Nhật không quá khó, nông dân Việt Nam chỉ cần tập trung làm bài bản, kiên trì theo một quy trình đồng bộ.
Bà Ino Mayu, điều phối viên Chương trình "Seed to Table" (chương trình cộng đồng phát triển Nhật Bản)
Theo các HTX, doanh nghiệp một trong những e ngại của họ khi áp dụng các chương trình sản xuất hữu cơ nói chung và chương trình chuẩn JAS nói riêng là đầu tư khá tốn kém so với trồng trọt thông thường. Trong khi đó, việc vay vốn để đầu tư nông nghiệp không phải là câu chuyện dễ dàng.
Đơn cử, một trong những yêu cầu đầu tiên để đạt chứng nhận hữu cơ JAS là đất phải hữu cơ, nghĩa là phải bỏ hoang 3 năm để loại bỏ kim loại nặng, chất hóa học… Đây là một trong những khó khăn mà không phải doanh nghiệp, HTX nào cũng sẵn sàng thực hiện, bởi trong 3 năm đó, nếu sản xuất thông thường cũng mang lại cho họ thu nhập khá tốt.
Các chuyên gia cho rằng, đầu tư ban đầu dù có cao hơn sản xuất thông thường nhưng sản phẩm làm ra lại bán được giá cao, và khi thị trường chấp nhận thì các doanh nghiệp, HTX có đầu ra ổn định, bền vững. Rõ ràng câu nói “đắt xắt ra miếng” rất đúng với trường hợp này.
Theo bà Ino Mayu, điều phối viên Chương trình "Seed to Table" (chương trình cộng đồng phát triển Nhật Bản), hiện còn không ít nông dân Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng sản xuất, chế biến, đóng gói theo quy trình và đảm bảo chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó, có thị trường Nhật Bản. Hơn thế nữa, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế hoặc từng nước có sự đan xen, tương đồng nhau nhất định, nên đôi khi đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của một thị trường mục tiêu, doanh nghiệp còn có thể dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khác.
Để đáp ứng tiêu chuẩn JAS của Nhật không quá khó, nông dân Việt Nam chỉ cần tập trung làm bài bản, kiên trì theo một quy trình đồng bộ. “Tôi mong muốn làm sao người Việt Nam hướng sản xuất nông sản hữu cơ, cố gắng đặt mục tiêu cao vừa bảo vệ môi trường, vừa đạt được nhu cầu về thị trường chung của thế giới”, bà Ino Mayu nói.
Theo các chuyên gia, để nông sản Việt xuất sang thị trường Nhật, ngoài việc trồng theo phương pháp hữu cơ, các doanh nghiệp, HTX cần đảm bảo đúng quy trình ở khâu sơ chế, chế biến, không để sản phẩm nhiễm chất Ecoli, chất bảo quản. “Người Nhật thích những trái cây đông lạnh như sầu riêng, mít, nhãn và có nhu cầu nhập nhiều mặt hàng này. Tuy nhiên, tôi lo ngại các mặt hàng này thường vướng vào chất bảo quản và nhiễm khuẩn E.coli . Đặc biệt, Nhật có nhu cầu rất lớn về các loại rau củ đóng hộp như các loại rau cải để phục vụ cho các bệnh viện, viện dưỡng lão”, một chuyên gia chia sẻ.
Trà My