Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản vừa cho biết số lượng các chuỗi siêu thị, các cửa hàng cà phê tại Nhật Bản có bán cà phê Việt Nam có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy các thương hiệu cà phê của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng tại một thị trường khó tính và giàu tính cạnh tranh như Nhật Bản.
“Điểm sáng” cà phê và thuỷ sản
Sản phẩm cà phê Việt Nam được ghi nhận đang bày bán rộng rãi tại chuỗi siêu thị OK - chuỗi siêu thị bình dân rất được ưa chuộng tại Tokyo (Nhật Bản). Hồi năm ngoái, xuất khẩu (XK) cà phê Việt vào Nhật đạt tăng trưởng 25,5%. Còn từ đầu năm 2022 đến nay, Nhật Bản vẫn gia tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam.
Các mặt hàng nông sản chế biến nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. |
Không chỉ có tín hiệu lạc quan với thị trường Nhật, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan thì tính từ đầu năm 2022 đến ngày 15/3, cả nước XK 452.163 tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 1 tỷ USD.
Như vậy là chỉ trong 2 tháng rưỡi, nhờ trải rộng thị trường và thâm nhập những thị trường chủ lực như Nhật Bản đã giúp XK cà phê đã “vượt mặt” ngành hàng rau quả để đứng thứ 3 về quy mô kim ngạch trong lĩnh vực nông nghiệp (sau nhóm hàng gỗ; thủy sản).
Bộ Công Thương nhận định XK cà phê trong quý I/2022 tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái do giá XK cà phê tăng cao.
Bên cạnh mặt hàng cà phê, theo Bộ Công Thương, điểm nổi bật trong XK nhóm hàng nông lâm thủy sản là XK thủy sản trong tháng 3/2022 vừa qua ước tính đạt 900 triệu USD, tăng 41% so với tháng 2/2022 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong quý I/2022, XK thủy sản cả nước ước tính đạt 2,4 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng XK tăng mạnh nhất).
Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Nên biết thêm, tình hình xung đột Nga - Ukraine mặc dù tác động nhỏ đến XK thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga và Ukraine (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%) nhưng lại có tác động lớn đến XK cá ngừ của Việt Nam khi hai thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện XK nông sản ở thị trường Nhật Bản. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh XK của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ.
Nhất là các mặt hàng nông thủy sản – thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi tại thị trường này.
Kỳ vọng nhiều khởi sắc
Đến nay, ngoài mặt hàng cà phê thì một số sản phẩm Việt Nam đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, có thể kể đến các sản phẩm nước dừa, sữa dừa...đã được Công ty KOME nhập khẩu và phân phối cho chuỗi các cửa hàng bán đồ Việt tại Tokyo và các tỉnh lân cận.
Các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản, như AEON, Donkihote, Itoyokado…
Đây chính là những tiền đề cho thấy hàng nông thủy sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng để XK hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới. Lợi thế lớn đang nằm ở việc Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 FTA song phương và đa phương: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Vào ngày 8/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại có tổ chức phiên tư vấn XK nông sản, thực phẩm sang thị trường Nhật Bản. Qua đó nhằm giúp các doanh nghiệp Việt mở rộng hợp tác giao thương với các đối tác nhập khẩu từ Nhật, cũng như giúp DN nắm bắt rõ hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng Nhật Bản và một số lưu ý khi XK hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến sang thị trường này.
Theo giới chuyên gia, trong quý II/2022, sau các tác động của đại dịch Covid-19 thì XK nông lâm thuỷ sản được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc hơn nếu như các doanh nghiệp (DN) Việt tiếp tục tận dụng thị trường có FTA như với Nhật Bản.
Nhất là sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.
Ngoài ra, gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ bao gồm cả thuế, phí sẽ giúp cộng đồng DN trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất và đẩy mạnh XK.
Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu nông sản vẫn đang cần các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường, xúc tiến XK nhằm tận dụng các cam kết trong các FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.
Không chỉ vậy, bản thân các nhà XK nông sản Việt cũng nên theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, để từ đó chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến hoạt động XK của mình nhằm kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp.
Thế Vinh