Là một trong những nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, Việt Nam sẽ phải chú trọng đầu tư những lĩnh vực thế mạnh, khắc phục những hạn chế vốn có của mình. Đây là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 diễn ra ngày 12/11.
Nhu cầu tăng nhưng thị trường khó tính hơn
Theo ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý trưởng đại diện, Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) tại Việt Nam, từ nay đến năm 2050, nhu cầu về lương thực được dự báo tiếp tục tăng thêm. Hiện, Trung Quốc, Ấn Độ đang là cường quốc cung ứng nông sản lớn trên thế giới. Việt Nam cũng được biết tới nhưng chỉ ở một số sản phẩm có thế mạnh nhất định như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản.
Nông nghiệp sản xuất bài bản để vượt qua rào cản kỹ thuật. |
Mặc dù vậy, ông Hà nhìn nhận đại dịch COVID-19 cũng đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Dưới tác động của đại dịch, nhu cầu của các sản phẩm nông nghiệp của nhiều nước trên thế giới sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Đây là cơ hội cho các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Để tận dụng được thời cơ này, đại diện FAO cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải giải quyết được các vấn đề về nâng cao năng suất, an toàn thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, đóng gói... là yêu cầu quan trọng.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) nói rằng, dịch COVID-19 đang tạo ra cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 dự báo có thể đạt 41 tỷ USD. Trong khủng hoảng, ngành nông nghiệp đang cho thấy vai trò của mình.
Đang có nhiều cơ hội để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực. Không chỉ các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lớn trong nước quan tâm mà các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng đang chọn Việt Nam để đầu tư vào nông nghiệp.
Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cũng chỉ ra nguy cơ là khi xuất khẩu nông sản tăng trưởng, lọt vào tốp đầu thế giới cũng là lúc nhiều nước để ý. Họ sẽ đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Hiện, nhiều nước đang lấy lý do dịch COVID-19 để đưa ra các tiêu chuẩn mới về an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với lý do COVID-19.
"Tất nhiên, một khi tham gia cuộc chơi thì xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam buộc phải chấp nhận", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thông qua HTX để làm nông nghiệp công nghệ cao
Dưới góc độ DN, ông Võ Quang Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho hay tất cả các nước đã xây dựng hàng rào kỹ thuật thời COVID-19 nên vấn đề truy xuất nguồn gốc xuất xứ với nông sản Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Trung Quốc lâu nay vốn được đánh giá là thị trường dễ tính nhưng hiện đang ngày càng khắt khe, bước đầu đã yêu cầu mã số vùng trồng, cơ sở nhà máy đóng gói.
Theo ông Huy, điều này đòi hỏi DN phải sản xuất bài bản. DN đang xây dựng các vùng liên kết sản xuất nông sản với bà con nông dân để quản lý được chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Huy dẫn chứng như ở Tây Ninh, DN cần đường điện 3 pha để xây dựng hệ thống tưới thông minh song điện lưới ở đây chỉ có 1 pha. Trong khi đó, ở Đồng Nai, điện 3 pha nhưng DN lại gặp khó trong vấn đề xin chuyển đổi quy hoạch từ trồng mía sang trồng chuối.
Mặt khác, mỗi một thị trường thường có thói quen khác nhau. Ví dụ quả chuối, thị trường Trung Quốc ăn trái to, nguyên nải, trong khi người Hàn Quốc chuộng quả nhỏ, Nhật Bản lại thích cắt ra 4-5 quả trong một túi", ông Huy chia sẻ đồng thời nói rằng phải đánh giá nhu cầu thị trường, sản xuất bài bản thì mới phục vụ được người dùng thế giới.
Về vấn đề sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bà Mai Thị Hồng, điều phối viên Việt Nam, Hiệp hội hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam đã dẫn ra bài học từ Hà Lan - một quốc gia chỉ có khoảng 17 triệu dân nhưng có tới 11 nghìn ha nhà kính, lớn nhất thế giới. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Lan đang chiếm thị phần lớn trên thế giới.
Liệu Việt Nam có thể xây dựng được một nền nông nghiệp thành công như Hà Lan? Bà Hồng đặt câu hỏi đồng thời nói rằng, Việt Nam hiện có nhiều khó khăn khi tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao do chưa đủ vốn, nhân lực chất lượng cao thiếu.
Bà Hồng kể: Đã có trường hợp chuyên gia Hà Lan sang giúp Việt Nam chuyển giao công nghệ theo dự án hỗ trợ nhưng khi họ về thì chúng ta lại trở lại khó khăn ban đầu do không có năng lực để tiếp thu, sử dụng công nghệ... Điều này đặt ra vấn đề, trong khi còn nhiều khó khăn,
"Việt Nam có thể học hỏi các gói công nghệ nhỏ của Hà Lan như gói phân tích, tư vấn dinh dưỡng đất... Đồng thời, lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao", bà Hồng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói thêm, cách hiệu quả nhất với Việt Nam khi học tập kinh nghiệm từ Hà Lan là thông qua khu vực HTX để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp là rất cần thiết trong bối cảnh mới hiện nay.
Thy Lê