Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thay thế Nghị định số 86/2014/ NĐ-CP sẽ được ban hành trong tháng này, sau khi cơ quan chủ trì soạn thảo chấp nhận theo góp ý của 5 thành viên Chính phủ được Thủ tướng đích thân tham vấn đối với việc quản lý xe taxi công nghệ – một trong nhưng nội dung gây tranh cãi trong suốt nhiều năm qua.
Thực tế, từ năm 2014, các ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải phát triển rất mạnh mẽ, ngoài ứng dụng Uber, Grab còn có Be, Go-Viet, Fast Go và các ứng dụng của chính các doanh nghiệp (DN) taxi như Mai Linh, Vinasun, G7 đã làm nảy sinh những bất cập mới nhưng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh.
Từ dự kiến thắt chặt
Hồi giữa năm 2019, Bộ GTVT đã trình dự thảo lần 9 nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô thay thế Nghị định số 86/2014/ NĐ-CP, sau hơn 3 năm xây dựng dự thảo với nhiều lần tiếp thu ý kiến, tổng hợp, giải trình, báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, một trong những nội dung được quan tâm nhất chính là việc các hãng taxi công nghệ được xác định là các DN hoạt động kinh doanh vận tải với hình thức kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Kèm theo đó, hình thức quản lý loại hình kinh doanh vận tải này cũng đã được dự thảo quy định bằng hình thức hợp đồng điện tử và phải gắn hộp đèn trên nóc xe đối với ôtô dưới 9 chỗ, đồng thời chịu các điều kiện kinh doanh như taxi truyền thống.
Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm đảm bảo quản lý đúng loại hình kinh doanh, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi.
Đồng thời, làm rõ nhận diện các xe kinh doanh vận tải, tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến khó khăn cho lực lượng tuần tra, kiểm soát và tổ chức giao thông và không công bằng trong hoạt động vận tải.
Quy định này đã khiến các hãng taxi truyền thống “thở phào” nhưng lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cho rằng Bộ GTVT đã mâu thuẫn với chính mục tiêu mà mình đặt ra trước đó là cần phải xác định rõ hình thức xe hợp đồng điện tử với taxi truyền thống.
Nhiều ý kiến cho rằng việc lắp thêm thiết bị sẽ tăng thêm chi phí cho chủ xe và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến giá cước. Theo một tài xế tham gia chạy Grab, yêu cầu buộc gắn hộp đèn chỉ phù hợp với taxi truyền thống vì đó là dấu hiệu để hành khách nhận diện khi vẫy bắt xe dọc đường. Còn đối với xe công nghệ, việc lắp hộp đèn như taxi không có tác dụng gì vì khi đặt xe thì các thông tin về tài xế, biển số xe, màu xe, mẫu xe… đều đã được hiển thị trên ứng dụng.
Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu lại dự thảo Nghị định trong đó có nội dung yêu cầu bỏ quy định gắn hộp đèn đối với các hãng xe công nghệ và dùng công nghệ để quản lý.
Việc không đeo “mào” cho taxi công nghệ đã khiến cộng đồng tài xế của các hãng taxi truyền thống khá hoang mang, thậm chí muốn chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình taxi công nghệ.
Taxi truyền thống gặp nhiều khó khăn trước xe công nghệ |
Chuyển sang nới lỏng?
Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ GTVT đã ban hành Công văn số 10433 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nội dung rà soát và hoàn thiện dự thảo Nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô để thay thế Nghị định 86 với nhiều điểm thay đổi.
Theo đó, vấn đề đeo “mào” cho taxi công nghệ được Bộ GTVT sửa đổi theo hướng xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi (bao gồm taxi thanh toán bằng đồng hồ và taxi kết nối bằng ứng dụng điện tử) được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “taxi” cố định trên nóc xe hoặc dán cố định cụm từ “xe taxi” trên kính phía trước, phía sau xe với kích thước 6x20cm.
Bộ GTVT cho rằng việc không bắt buộc xe taxi phải có hộp đèn để tiết kiệm chi phí cho DN kinh doanh vận tải, đồng thời đảm bảo bình đẳng giữa loại hình xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ. Đối với Nhà nước, việc quản lý đối với 2 loại hình nói trên sẽ được thực hiện bằng các công cụ nhận biết trực quan.
Nêu quan điểm cá nhân về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng nếu quy định bỏ hộp đèn được thực thi, các DN taxi truyền thống sẽ ngay lập tức chuyển sang xe hợp đồng điện tử để được hưởng quyền lợi, có thể gây nên một sự hỗn loạn với thị trường xe hợp đồng điện tử.
Cũng theo ông Hùng, thay đổi này của Bộ GTVT không được xem là nới lỏng điều kiện kinh doanh cho taxi truyền thống, bởi taxi truyền thống đang gánh trên vai tới 14 điều kiện kinh doanh trong khi xe hợp đồng điện tử không chịu ràng buộc.
Từ thực tế này, có lẽ câu chuyện tranh cãi giữa các hãng taxi vẫn sẽ chưa thể có hồi kết trong ngắn hạn.
Vân Linh