Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), sáng 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về bất cập quản lý giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là căn nguyên của hiện trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (DN) này và làm thất thu thuế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) dẫn báo cáo của Bộ GTVT là hiện nay trên toàn quốc có gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40.000 phương tiện tham gia thí điểm Đề án 24.
Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng thực tế xe công nghệ Grab đã đăng ký hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các tổ chức HTX hơn gấp 3 lần số đó.
Grab hay taxi đều phải gắn mào
Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, ông Hòa nêu: "Grab mới nộp thuế 10 tỷ đồng năm 2014-2016, còn các hãng taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỷ mỗi năm. Giải pháp nào để quản lý xe công nghệ như Grab, chặn tình trạng tăng số lượng xe chui, trốn thuế?", đồng thời cũng chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đại biểu Đào Thanh Hải (Đoàn Hà Nội) cũng nêu vấn đề: Hiện mới có 15% lượng người dân ở Hà Nội tham gia đi xe buýt, Hà Nội quản lý xe taxi truyền thống để giảm ùn tắc từ 22.000 xuống còn 15.000 xe, trong khi lượng xe Grab là 31.000 xe. "Xe Grab không đeo mào nên dễ len lỏi vào các tuyến đường cấm, khó quản lý. Hướng giải quyết thời gian tới sẽ ra sao?", ông Hải chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện có khoảng 48.000 xe hợp đồng điện tử đăng ký hoạt động, song con số thực tế có thể cao hơn do còn lượng lớn người dân mua xe kinh doanh hình thức này mà không đăng ký.
"Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ GTVT, Bộ Công an để nắm toàn bộ xe nào tham gia dịch vụ vận tải công nghệ nhằm quản lý chặt chẽ tất cả các biến động, hoạt động của các DN này, xe này để tránh thất thu thuế và tạo điều kiện đảm bảo an toàn, an ninh vận tải", ông Thể nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cho hay, trong Nghị định 86 sửa đổi, Bộ này đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là taxi công nghệ.
Bộ trưởng tin rằng khi Nghị định thay thế Nghị định 86 được ban hành thì Quyết định 24 sẽ hết hiệu lực. Lúc đó, cạnh tranh giữa xe công nghệ và taxi truyền thống là như nhau. Xe hợp đồng điện tử hay taxi truyền thống cũng đều có điều kiện phục vụ, chịu quản lý về thủ tục như nhau. Nghĩa là Grab và taxi truyền thống hoạt động công bằng như nhau.
"Chính sách quản lý hoạt động vận tải đảm bảo sân chơi công bằng cho các DN trong nước, nước ngoài, nhất là giữa xe công nghệ và taxi truyền thống", ông Thể khẳng định.
Thu thuế taxi công nghệ
Liên quan đến lo lắng của đại biểu về thất thu thuế đối với taxi công nghệ, người đứng đầu ngành GTVT cũng trình bày: qua Bộ Tài chính thì được biết không chỉ 50.000 xe của Uber, Grab, mà tất cả các phương tiện của 14 phần mềm công nghệ đang vận hành đều kết nối với cơ quan thuế.
"Do đó, việc thất thu thuế của các phương tiện có thể ít xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất kỹ số lượng xe", Bộ trưởng thông tin.
"Hiện nay, chúng tôi cho taxi cũng gắn thiết bị thu tiền tự động giống như taxi công nghệ, do đó sắp tới, hoạt động này chắc chắn đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ", ông Thể nói thêm.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định hiện hành, kinh doanh vận tải điện tử, công nghệ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Vì vậy, quy định áp dụng thống nhất giữa các loại hình như thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn giảm…
Theo đó, DN xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập DN như các DN Grab, Vinasun, Mai Linh nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, theo thống kê trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 tại 9 công ty vận tải taxi gồm: công ty TNHH Grab, công ty Grab Việt Nam, CTCP Fastgo Việt Nam…, các DN này đã kê khai số thuế phải nộp là 437 tỷ đồng, trong đó số đã nộp 415 tỷ đồng.
Dẫn chứng cụ thể hơn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin: năm 2017, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Thuế Tp.HCM kiểm tra thuế tại công ty Uber thời kỳ 2014 – 2016 đã xử lý truy thu và xử lý vi phạm qua thanh tra là 66,68 tỷ đồng. Đến ngày 31/8/2018, công ty Uber cũng đã nộp đầy đủ số thuế.
"Tôi cho rằng việc tiếp tục hoàn thiện các pháp luật liên quan để quản lý các ngành, lĩnh vực phục vụ cho quản lý kinh tế nói chung, quản lý xã hội rất có tác dụng cho quản lý thuế", ông Dũng nhấn mạnh.
Về biện pháp trong thời gian tới, người đứng đầu ngành tài chính cho biết sẽ triển khai nội dung đã bổ sung vào Luật Quản lý thuế. Bên cạnh đó, thực hiện kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với DN, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, giữa cơ quan thuế với cơ quan vận tải.
Cùng với đó, sẽ triển khai hóa đơn điện tử khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, trong đó có hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo đồng hồ điện tử.
"Sẽ chủ động phối hợp về công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chống thất thu trong lĩnh vực kinh doanh vận tải điện tử", ông Dũng nói.
Thanh Hoa