Theo phản ánh từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất bình quân 35-40 triệu tấn than nguyên khai, chiếm khoảng 85% sản lượng khai thác than cả nước. Tuy nhiên quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh than của TKV đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Khai thác trong nước gặp khó
Ông Đỗ Hồng Nguyên, Trưởng Ban Chiến lược TKV, cho biết các thủ tục triển khai công tác xin cấp phép thăm dò, đền bù giải phóng mặt bằng, tổng hợp, lập, trình phê duyệt báo cáo kết quả thăm dò; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thỏa thuận, xin cấp giấy phép khai thác... còn mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch.
Cần có giải pháp đáp ứng bền vững nhu cầu than của Việt Nam. |
Trong khi đó, điều kiện sản xuất than trong nước ngày càng khó khăn, các lỗ khoan thăm dò có chiều sâu lớn (trung bình khoảng 1.000m) và phải khoan qua địa tầng phức tạp như bãi thải, lò cũ... diện khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, đi xa; ảnh hưởng của khí mỏ, nước ngầm ngày càng phức tạp, thiếu diện đổ thải, cung độ đổ thải xa gây khó khăn trong việc thi công thăm dò và triển khai thực hiện các dự án mỏ.
Chi phí vật tư, thiết bị, tiền lương và các loại thuế phí tăng (các loại thuế, phí) hiện chiếm khoảng 16 -17% giá thành khai thác, dẫn đến giá thành khai thác tăng, tuy nhiên giá bán than cho các hộ tiêu thụ trong nước (chủ yếu cho sản xuất điện) chưa phù hợp với giá thành khai thác... dẫn đến một số đơn vị khai thác không hiệu quả, không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện một số dự án theo quy hoạch.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ than trong nước những năm vừa qua không theo dự án trong Quy hoạch vì các nhà máy nhiệt điện chạy than không đưa vào hoạt động đúng tiến độ so với kế hoạch đề ra, sự cạnh tranh của than nhập khẩu trong một số thời điểm nhất định... ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... gây nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch.
Điều này cho thấy thời gian tới, Việt Nam sẽ phải tính tới câu chuyện nhập khẩu than. Theo PGS.TS. Nguyễn Cảnh Nam, chuyên gia năng lượng, để đáp ứng nhu cầu than cho sản xuất điện, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 25 triệu tấn vào năm 2020, khoảng 50 triệu tấn vào năm 2025, khoảng 80 triệu tấn vào năm 2030 và khoảng 88 triệu tấn vào năm 2035. Nhu cầu than nhập khẩu đối với phân bón, hóa chất, xi măng... dao động trong khoảng 12,6 - 18,5 triệu tấn mỗi năm.
Giải quyết nghịch lý thừa - thiếu
Tuy nhiên, ông Nam cũng chỉ ra thách thức đối với Việt Nam trong việc nhập khẩu than, nhất là khi Việt Nam mới tham gia thị trường nhập khẩu than nhiệt trong khi thị trường này đã được các tập đoàn tài chính - thương mại lớn trên thế giới sắp đặt trật tự và chi phí từ lâu; có sự cạnh tranh gay gắt của các nước, nhất là các nước trong khu vực. Trong khi cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ nhập khẩu than còn yếu, cơ chế chính sách và tổ chức nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện còn nhiều bất cập.
Do đó, ông Nam cho rằng mục tiêu lớn nhất của nhập khẩu than cho sản xuất nhiệt điện là đảm bảo được nguồn cung ổn định trong dài hạn (theo vòng đời nhà máy điện) với giá cạnh tranh. Để thực hiện được mục tiêu đó cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đảm bảo nguồn cung như đa dạng hóa nguồn cung, đầu tư chiếm lĩnh thị trường đảm bảo thị phần chắc chắn, ổn định; áp dụng phương thức mua và định giá than phù hợp.
Để đáp ứng nhu cầu than một cách bền vững, ông Nam kiến nghị: Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương khắc phục các vướng mắc để đẩy nhanh việc cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác theo tinh thần giảm điều kiện kinh doanh và tăng cường hậu kiểm, khắc phục những bất cập, chồng chéo trong một số quy hoạch của địa phương gây cản trở đối với việc thực hiện quy hoạch than.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược cùng các chính sách nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.
Cùng với đó, lâu nay, ngành than cũng đang tồn tại một thực tế là "thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu". Vấn đề này cũng được đưa ra tại hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể về Năng lượng Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây. Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam đặt vấn đề, Nhà nước nên mở cửa cho xuất khẩu than loại tốt vì trong nước chưa dùng hoặc dùng không hết loại than này.
Cụ thể, than antraxit mà TKV khai thác không phải dùng cho đốt điện bởi loại than này không dễ đốt, muốn đốt phải trộn thêm dầu. Đây chính là than chất lượng cao và xuất khẩu được giá, dùng cho các nhà máy luyện cốc, sản xuất thép. Trong khi đó, than cho sản xuất điện là loại rẻ tiền hơn nhiều, nguồn cung trên thị trường thế giới cũng dồi dào và nhập khẩu than “không có gì khó khăn”. Vì vậy, ông Hòa mong muốn có cơ chế thông thoáng hơn để xuất khẩu than antraxit.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An bày tỏ nghi ngại trước ý kiến cho rằng khi khai thác than xuống sâu, giá thành cao hơn nhiều so với nhập khẩu thì nên có định hướng cho nhập khẩu, kể cả phương án ngừng khai thác, đóng mỏ, chuyển đổi nghề cho lao động ngành than. Bởi, câu hỏi đặt ra là tình hình sẽ ra sao khi thị trường thế giới biến động, việc nhập khẩu than khó khăn, lực lượng lao động ấy có đủ năng lực quay lại hầm lò hay không.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp phải tính đến bao nhiêu là vừa, bao nhiêu là khai thác trong nước để đảm bảo phát triển bền vững. Nếu không cẩn trọng, việc nhập khẩu ồ ạt sẽ khiến an ninh năng lượng trở thành vấn đề an ninh quốc gia.
Thy Lê