Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có khoảng 10 cổ phiếu ngành than đang được giao dịch. Sự ảm đạm của cổ phiếu ngành than diễn ra trong bối cảnh “thiên thời” đang ủng hộ ngành khi giá than thế giới bứt phá cùng với nhu cầu than trong nước tăng cao.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, chỉ riêng nửa đầu tháng 7, cả nước đã chi tới 191 triệu USD để nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than đá, nâng tổng lượng than đá nhập khẩu từ đầu năm lên gần 12 triệu tấn.
Doanh nghiệp kinh doanh tốt
Trong nửa đầu năm 2019, hầu hết các doanh nghiệp (DN) ngành than đều kinh doanh có lãi trong đó đột biến phải kể đến CTCP XNK Than – Vinacomin (mã: CLM) với doanh thu gần gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 2.258 tỷ đồng, nhờ hoạt động kinh doanh than nhập khẩu tăng mạnh.
Tuy nhiên, do chi phí lớn nên lợi nhuận sau thuế của DN này chỉ đạt 11,4 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, CTCP Than Tây Nam Đá Mài (mã: TND) ghi nhận 1.439 tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 63%, đạt 37 tỷ đồng.
Lý giải mức tăng trưởng mạnh của lợi nhuận, công ty cho biết nhờ chi phí giá vốn thấp, giá bán than bình quân tăng so với cùng kỳ.
“Kịch bản” này cũng tương tự với CTCP Than Cọc 6 (mã: TC6), với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ.
Gánh nặng chi phí khiến CTCP Than Hà Lầm (mã: HLC), CTCP Than Núi Béo (mã: NBC), CTCP Than Đèo Nai (mã: TDN), CTCP Than Vàng Danh (mã: TVD)… bị sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, Than Vàng Danh ghi nhận mức doanh thu tăng 18,6%, đạt 2.376 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 35%, còn 21 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản lý DN tăng đột biến so với cùng kỳ.
Tương tự, doanh thu của Than Đèo Nai cũng tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 1.603 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý DN tăng hơn gấp đôi, lên 103 tỷ đồng do chi phí cấp quyền khai thác 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ.
Chi phí lãi vay và chi phí quản lý DN cũng khiến lợi nhuận sau thuế của Than Núi Béo giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ còn 16 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu trong kỳ của công ty lại tăng trưởng gần 15% lên 1.271 tỷ đồng, thậm chí chi phí giá vốn chỉ tăng hơn 9% dẫn đến lợi nhuận gộp tăng 55% so với cùng kỳ, đạt 212 tỷ đồng.
Hầu hết cổ phiếu ngành than giao dịch dưới mệnh giá |
Cổ phiếu giá thấp
Thực tế, cũng không quá khó lý giải việc doanh thu của hầu hết các DN ngành than đều tăng trưởng là do nhu cầu tiêu thụ than tăng nhanh chủ yếu là than nhiệt (bitum, antraxit…) để cung cấp cho nhiệt điện, xi măng, phân đạm, hóa chất; than mỡ phục vụ luyện kim; than bùn sử dụng làm chất đốt, phân bón.
Điểm chung của nhóm DN này đều là niêm yết trên HNX và cổ đông nhà nước là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sở hữu trên 50% vốn, cổ phiếu giao dịch tại mức giá thấp và thanh khoản không cao.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, cổ phiếu THT của Than Hà Tu giao dịch tại mức giá 6.500 đồng/cp, giảm mạnh so với vùng giá 8.000 đồng/ cp hồi đầu năm. Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt hơn 5.000 đơn vị, thường xuyên xuất hiện những phiên có khối lượng giao dịch bằng 0.
Cũng tính tới phiên 21/8, cổ phiếu TDN dừng ở mức 5.100 đồng/ cp, tăng nhẹ so với mức giá dưới 5.000 đồng/cp hồi tháng 1.
Tương tự như THT, TDN cũng có thanh khoản “èo uột” với khối lượng trung bình gần 6.000 đơn vị trong 10 phiên gần nhất và cũng có khá nhiều phiên đóng cửa trong bối cảnh không cổ phiếu nào được giao dịch.
Duy trì vùng giá 5.500 đồng/cp trong thời gian qua, nhưng TVD lại gây chú ý khi ghi nhận 9/10 phiên giao dịch gần nhất có mức thanh khoản là con số 0.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với TMB, HLC, NBC, TC6… Chỉ có duy nhất cổ phiếu CLM giao dịch tại mức giá 14.700 đồng/cp nhưng cũng không thoát khỏi cảnh ngộ thanh khoản thấp với trung bình 660 đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
Một nghịch lý khác đang diễn ra tại cổ phiếu ngành than là việc nhóm cổ phiếu này có giá trị sổ sách khá cao. Điển hình như TND, trong khi mức giá thị trường là 9.800 đồng/cp thì giá trị sổ sách của cổ phiếu này lại lên tới 19.540 đồng/cp.
Có ý kiến cho rằng tuy doanh thu, lợi nhuận ghi nhận sự tích cực, nhưng nhiều chỉ số tài chính quan trọng khác của DN ngành than niêm yết lại chưa cải thiện. Đây là một trong những lý do khiến hầu hết cổ phiếu than kém hấp dẫn nhà đầu tư.
Thực tế, ngành than cũng là một ngành được đánh giá chịu nhiều “điều tiếng” nhất trên thị trường chứng khoán bởi phụ thuộc vào giá than thế giới, cũng như là những sai phạm từ Tập đoàn mẹ – Vinacomin liên tiếp được chỉ ra.
Trong khi đó, các nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu này lại có tâm lý phân vân nên đầu tư hay đầu cơ.
Tuy nhiên, báo cáo của một công ty chứng khoán cho biết đa số cổ phiếu than đều đã sụt giảm trong thời gian qua và đã bắt đầu về mức độ hợp lý. Định giá có chiết khấu so với sổ sách và mức chi trả cổ tức hấp dẫn hơn so với lãi suất ngân hàng.
Khó có thể đánh giá xu hướng tăng của giá than sẽ diễn ra bao lâu, nhưng với những yếu tố hiện tại cũng đủ để các nhà đầu tư nghiêm túc nhìn lại cơ hội trong nhóm cổ phiếu vàng đen này.
Linh Đan