Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng trở lại; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ ngày 1/7/2019; diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi…
Nhiều yếu tố kéo CPI tháng 7 tăng 0,18% (Ảnh Internet) |
Trong mức tăng 0,18% của CPI tháng 7/2019 so với tháng trước, có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,33% (lương thực tăng 0,05%; thực phẩm tăng 0,4%); giáo dục tăng 0,22% (dịch vụ giáo dục tăng 0,17%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,15% (giá du lịch trọn gói tăng 0,22%; khách sạn tăng 0,58%; dịch vụ giải trí tăng 0,74%); đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,1%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; bưu chính viễn thông tăng 0,01%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chỉ số giá nhóm bảo hiểm y tế tăng 6,67%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,94%. Riêng nhóm giao thông và nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng cùng giảm 0,03%.
CPI bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 7/2019 tăng 1,59% so với tháng 12/2018 và tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 7/2019 tăng 0,23% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 1,89% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông và đồng USD giảm giá. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2019 tăng 4,04% so với tháng 6/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 7/2019 tăng 4,78% so với tháng trước; tăng 9,27% so với tháng 12/2018 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 7/2019 giảm 0,56% so với tháng trước; giảm 0,27% so với tháng 12/2018 và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Công Trí