Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, đến hết tháng 6/2018 mới có 8 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (chỉ có 1 DN thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo Công văn số 991).
6 tháng đầu năm mới có 8 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hoá |
Với tổng giá trị DN cổ phần hoá là 29,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hoá đến nay, tổng số vốn nhà nước đã bán chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại DN (đến 31/12/2017).
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, liên quan đến vấn đề thoái vốn DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Nhìn chung tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, khó có khả năng đạt kế hoạch đề ra năm 2018. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cơ cấu lại DNNN trực thuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá”.
Trước đó, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 45 DNNN, trong đó chỉ có 21 DN trong số này có trong danh sách cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa mới đạt non nửa kế hoạch đề ra (47,7%).
Về kế hoạch trong thời gian tới, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, trong năm 2018, một số DN lớn sẽ cổ phần hóa như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…
Trong số này, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, VRG theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng.
Thanh Hoa