Nhiều công ty phân tích thị trường dự báo, tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh, kéo dài đến quý III/2023 trong bối cảnh lãi suất tăng, đồng VND suy yếu, giá hàng hóa giảm chưa đáng kể và nền kinh tế vẫn diễn biến khó lường.
Mua sắm "tính toán hơn"
Anh Nguyễn Văn Quang (Hà Đông, Hà Nội) cảm nhận rõ hơn tác động của giá cả và những biến động của nền kinh tế.
“2022 là một năm công việc bấp bênh do ảnh hưởng bởi hậu Covid-19 nên công ty tôi không có nhiều đơn hàng. Công ty cắt giảm nhân sự nhiều, tôi may mắn không nằm trong diện bị mất việc nhưng thu nhập cũng giảm quá nửa so với những năm trước, lương túc tắc chỉ ở mức 5-6 triệu đồng. Vì vậy, năm nay, tôi đã có kế hoạch thắt chặt chi tiêu dịp Tết, sẽ chỉ mua những thứ cần thiết. Ngay cả thực phẩm hay bánh kẹo cũng không mua nhiều nữa. Đặc biệt là đồ gia đụng hay vật trang trí ngày Tết như đào quất cũng cắt giảm luôn”, anh Quang cho hay.
Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu do thu nhập sụt giảm, kinh tế khó khăn |
Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế đã tác động đến khả năng chi trả thực tế của nhiều người và tâm lý của họ mỗi khi mua sắm. Chị Hoàng Thảo (Linh Đàm, Hà Nội) dự định sẽ mua sắm Tết ít hơn. Cơ bản vẫn giữ tinh thần là Tết đoàn viên ấm cúng nhưng sẽ không chi mạnh tay như các năm trước đó.
"Cũng xuất phát từ năm nay nhà mình có thêm thành viên mới, mọi chi tiêu cần cân nhắc, tính toán kỹ càng hơn. Mình cũng cần tiết kiệm hơn mọi năm. Bên cạnh đó, bão giá, gia đình mình kinh doanh, doanh thu bị ảnh hưởng nhiều. Mình hạn chế chi tiêu và tiết kiệm hơn", chị Thảo chia sẻ.
Thực tế, gần đây, một số nhà bán lẻ lớn đã gửi đi tín hiệu về chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm khi việc mở rộng kinh doanh đang dừng lại hoặc giảm tốc độ trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế.
Đơn cư như, theo báo cáo, việc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG và Long Châu của FPT Retail (mã: FRT) đã bị trì hoãn/chậm lại kể từ quý III.
Tương tự, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh, Circle K… cũng có mức giảm so với đầu năm cho thấy sự thận trọng của các chuỗi bán lẻ trước diễn biến thị trường hiện tại. Do đó, các công ty tiêu dùng niêm yết có xu hướng duy trì tình hình tài chính tốt hơn với đòn bẩy thấp và vị thế tiền mặt ròng.
Về Masan Meatlife, sản phẩm MeatDeli sau khi tăng độ phủ nhanh sau 2 năm 2020 – 2021 tạm thời đang chững lại vì nhiều lý do, như cạnh tranh gay gắt ở thị trường thịt mát; người dân vẫn ưu tiên lựa chọn mô hình truyền thống có giá rẻ để tiết kiệm trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Còn WinCommerce ghi nhận mức giảm đáng kể trong quý III/2022 không chỉ do mức nền cao trong năm ngoái mà cũng do sức mua của người tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của thu nhập, giá cả. Thực tế, đang có sự chuyển dịch ngược tạm thời từ kênh hiện đại về kênh truyền thống để tìm kiếm những lựa chọn rẻ tiền hơn của người tiêu dùng.
Khó khăn còn kéo dài
Mới đây, phía Masan cũng cho rằng đã hơi lạc quan trong việc đánh giá sức mua và xây dựng kế hoạch hồi đầu năm 2022. Tập đoàn đã chủ động giảm tải cho hệ thống phân phối trong quý II và quý III, qua đó chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm Tết 2023 vào cuối năm.
Đưa ra nhận định về tình hình vĩ mô, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG cho biết: "Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất khó khăn, các vấn đề như dòng tiền, chứng khoán, công ăn việc làm rất lủng củng. Đây là năm rất lạ lùng, cuối năm đáng lẽ là phải tăng ca thì nhân công lại phải chia ca. Thu nhập giảm, ai không chịu nổi thì về quê. Thậm chí, một số công ty còn chủ động cho nhân viên nghỉ…”, ông Tài nêu.
Ông Tài cũng chỉ ra khi thu nhập người lao động giảm thì sức mua sẽ có vấn đề, ngành bán lẻ theo đó cũng bị ảnh hưởng và hàng tiêu dùng như Bách Hoá Xanh cũng vậy.
"Nếu trước đây, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua chai dầu ăn đắt một chút, nhưng giờ thì họ tìm kiếm chai dầu ăn giá chỉ khoảng 35.000 đồng thôi. Bởi, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì những thứ không cần thiết sẽ không xài nữa, còn những thứ cần thiết thì họ có khuynh hướng tìm sản phẩm rẻ tiền hơn để xài", ông nói.
Theo báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, tình trạng này có thể kéo dài đến đầu quý III/2023. “Tiêu dùng Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh trong nửa đầu năm sau và dần hồi phục được đà tăng trưởng tính từ quý III/2023 nhờ tốc độ tăng lãi suất chậm lại trong năm sau khi lãi suất điều hành của Fed dần hạ nhiệt và biến động vĩ mô tại Việt Nam cũng dần ổn định, cải thiện niềm tin tiêu dùng của người dân, khu vực EU và Mỹ hồi phục tiêu dùng, đem lại đơn hàng cho các khu công nghiệp Việt Nam”, báo cáo nêu.
Hơn nữa, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 vào ngày 11/11/2022, với thông tin rằng lương cơ sở kể từ ngày 1/7/2023 sẽ tăng 20,8% so với mức hiện hành lên con số 1,8 triệu đồng/tháng, có thể gia tăng thu nhập của công chức và cán bộ Việt Nam. Theo đó, sức tiêu dùng có thể gia tăng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng xét về mặt dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong ngành này đánh giá lạc quan về triển vọng phát triển với một số xu hướng chủ đạo. Đó là là xu hướng đẩy mạnh bán hàng đa kênh, tích hợp chặt chẽ từ trực tuyến đến trực tiếp. Bên cạnh đó, công nghệ không chạm và thanh toán linh hoạt (không dùng tiền mặt) đã và đang trở thành xu hướng và một phần quan trọng thúc đẩy ngành bán lẻ hiện đại phát triển.
Thanh Hoa