Vừa gồng mình phòng chống dịch bệnh, vừa phải bán sản phẩm với giá rẻ, người chăn nuôi gia cầm đang rơi vào cảnh lỗ nặng, nợ nần chồng chất.
Giá gà ta bán tại các chợ dân sinh ở Hà Nội giảm còn 85.000 đồng/kg (Ảnh: Thanh Hoa) |
Giá gà "bốc hơi" một nửa
Trong khi giá thịt lợn vẫn “neo” cao bất chấp đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 doanh nghiệp đồng loạt giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4 của Bộ NN&PTNN, thì từ đầu tháng 2 đến nay, giá gia cầm, trứng gia cầm trên toàn quốc giảm một nửa so với thời điểm Tết Nguyên đán.
Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tại Đông Hưng (Thái Bình) cho biết gần 1 tháng nay, giá thịt và trứng gia cầm "lao dốc". Ông Mai Văn Cẩn, chủ một trang trại chăn nuôi gà ta thả vườn ở xã Nghĩa Hưng, Đông Hưng chia sẻ, đàn gà hơn 5.000 con đã đến thời kỳ bán nhưng thương lái không đến gom mua thường xuyên như thời gian trước Tết. “Mặc dù gia đình đã hạ giá bán xuống còn 55.000 đồng/kg và liên tục gọi điện mời thương lái đến nhưng không một ai lai vãng”, ông Cẩn cho hay.
Cùng chung tâm trạng, 2 tuần nay, bà Nguyễn Thị Hiền, chủ một gia trại chăn nuôi lòng như “lửa đốt” bởi giá gà rớt một nửa so với đợt Tết nhưng cũng không có ai mua. “Trước Tết, tôi bán gà thả vườn ở mức hơn 100 nghìn đồng/kg, có bao nhiêu gà trong vườn thì thương lái đều đến đặt cọc gom mua hết. Vậy mà không hiểu sao từ sau Tết đến nay, giá gà ta đã rớt thê thảm mà tiêu thụ rất chậm. Hiện nay, với giá bán 55.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi, chưa tính công và khấu hao trang trại. Chỉ cần xảy ra dịch bệnh là thua lỗ nặng, thậm chí trắng tay”, bà Hiền nói.
Gà không bán được, nhưng mỗi ngày bà Hiền vẫn phải chi gần 200 nghìn đồng tiền thức ăn cho gà. Để giảm bớt gánh nặng, bà nhờ con cháu đang sinh sống ở Hà Nội đăng bán trên các nhóm facebook, zalo ở các khu chung cư. “Gia đình tôi phải huy động các con cháu đang sinh sống ở Hà Nội bán giúp, tuy nhiên ngày nào bán được nhiều nhất cũng chỉ khoảng 10-15 con”, bà Hiền chia sẻ.
Theo khảo sát tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, thời điểm này, giá gà ta dao động ở mức 80.000-85.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Giá gà công nghiệp bình quân giảm chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg; giá vịt hơi từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/kg.
Không chỉ có thịt gia cầm, giá trứng gia cầm cũng “lao dốc”. Hiện, trứng vịt ở mức 1.500 đồng/quả, giảm từ 500 – 1.000 đồng/quả; trứng gà công nghiệp 1.600 đồng/quả, giảm 400 đồng/quả; trứng gà ta ở mức 2.000 đồng/quả, giảm 1.000 đồng/quả.
Nguyên nhân "kép" khiến nguồn cung dư thừa
Theo lý giải các thương lái, giá gia cầm, trứng gia cầm giảm mạnh do tình trạng cung vượt cầu và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng khi có thông tin dịch cúm gia cầm H5N6 đang tái phát tại một số tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNN), cả nước hiện có 8 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 xuất hiện tại 4 tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội và Quảng Ninh; đồng thời một lượng lớn gia cầm đã được tiêu hủy. Như vậy, ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang lâm vào cảnh có nhiều yếu tố bất lợi đến tình hình chăn nuôi lẫn tiêu thụ. Bên cạnh đó, thời gian qua do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung tăng mạnh. Trong khi thời điểm này đang xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các trường học, nhà hàng, khách sạn đều đóng cửa, nhiều nhà máy, xí nghiệp cũng chưa hoạt động bình thường trở lại sau Tết, dẫn đến lượng suất ăn của các bếp ăn tập thể giảm mạnh, khiến đầu ra cho các sản phẩm thịt, trứng gia cầm bị tắc.
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, năm 2019, trừ chăn nuôi lợn giảm 13,8%, còn hầu hết các loại vật nuôi, thủy sản đều tăng trưởng cao so với năm 2018. Đáng chú ý, đàn gia cầm hiện đã đạt 467 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 tấn, sản lượng trứng gia cầm khoảng 13,3 tỷ quả. |
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm mạnh, trong khi đó nguồn cung thịt gia cầm tại thời điểm này khá dồi dào.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNN), nguyên nhân của việc sụt giảm giá gia cầm trên toàn quốc là do lượng chăn nuôi đang vượt quá nhu cầu tiêu dùng, bởi thông thường vào thời điểm này, đàn gia cầm sẽ tăng cao nhất trong năm với khoảng trên dưới 6%, trong khi hiện nay, nhu cầu của thị trường đang giảm do dịch bệnh Covid-19.
Các chuyên gia và thương lái nhận định, thời gian tới, khi tâm lý người tiêu dùng ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập trở lại bình thường, chắc chắn giá gia cầm sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại.
Hoàng Hà