Khảo sát của VnBusiness cho thấy, giá thịt lợn ở các chợ truyền thống đang dao động từ 80.000 - 110.000 đồng/kg tùy loại, trong khi ở các siêu thị là 130.000 - 180.000 đồng/kg. Đặc biệt, các loại thịt mát của MeatDeli được bán với giá khá cao so với giá bình quân trên thị trường, trong đó dòng cao cấp từ 200.000 - 300.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn gấp 3-4 lần lợn hơi
Chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi đang ở mức rất thấp, chỉ hơn 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang lỗ từ 2 - 3 triệu đồng/con lợn. Giá thành chăn nuôi lợn đang ở mức trên 50.000 đồng/kg với người chăn nuôi chủ động về con giống; còn không chủ động thì nằm trong khoảng 60.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng Việt Nam đang phải mua thịt lợn đắt nhất thế giới. |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi xuống thấp nhưng giá thịt lợn bán ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn cao gấp 3-4 lần giá lợn hơi. Nguyên nhân là bởi, một miếng thịt lợn tới tay người tiêu dùng phải qua quá nhiều khâu trung gian.
"Giá lợn hơi xuống thấp, khi lợn đến lứa xuất chuồng, chúng tôi gọi thương lái đến, họ sẽ phân chia ra từng loại 1, 2, 3. Loại 3 chỉ bán được với giá 30.000 đồng/kg. Sau đó, thương lái về còn bán lại cho lò mổ, rồi đến chỗ pha lóc, bán lẻ...", ông Đoán cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho biết: "Thịt lợn là mặt hàng tiêu dùng thường ngày, thu hút người tiêu dùng đến siêu thị, song để hiện diện trên quầy kệ hệ thống bán lẻ thì thịt lợn cũng phải trải qua nhiều khâu và chi phí tăng thêm. Doanh nghiệp bán lẻ không có lãi nhiều từ mặt hàng này".
Trước đó, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ phản ánh, so với giá thịt lợn nhập khẩu từ các nước, giá thịt lợn tại Việt Nam đang cao nhất thế giới, "Trong đó, cứ loanh quanh tầng tầng lớp lớp khâu bán lẻ, đưa đến tay người dân thì giá gấp đôi".
Ông Ngọc dẫn chứng, giá thịt đông lạnh nhập khẩu bán sỉ cũng chỉ 60.000 - 70.000 đồng/kg, giá bán lẻ 100.000 đồng/kg là ba rọi, ba rọi rút sườn loại ngon hàng nhập bán lẻ cao nhất cũng chỉ 150.000 đồng/kg. Trong khi cùng loại tại Việt Nam là 200.000 - 260.000 đồng/kg.
Người chăn nuôi thua lỗ, trong khi giá thịt lợn cao nhất thế giới. Vậy, lợi nhuận nằm ở đâu? Trao đổi với VnBusiness, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thông thường doanh nghiệp bán lẻ thường nhập thịt lợn từ các công ty giết mổ (doanh nghiệp có chuỗi nuôi tới giết mổ khép kín hoặc đi thu mua và đem về giết mổ). Tuy nhiên, thực tế các siêu thị không được nhiều lợi nhuận từ mặt hàng thịt lợn.
"Thịt lợn là mặt hàng tiêu dùng thường ngày, thu hút người tiêu dùng đến siêu thị, song để hiện diện trên quầy kệ hệ thống bán lẻ thì thịt lợn cũng phải trải qua nhiều khâu", bà Hậu nói. Đồng thời cho biết, nếu ở ngoài chợ dân sinh, thịt lợn sau khi giết mổ có thể đem ra sạp bán ngay thì ở trong siêu thị còn phải đóng khay, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch, đóng thuế... Do vậy, giá thịt lợn trong siêu thị chắc chắn phải cao hơn ngoài chợ truyền thống. Doanh nghiệp bán lẻ không có lãi nhiều.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, như mặt hàng thịt lợn mát của MeatDeli - sản xuất theo chuỗi khép kín, có công nghệ riêng, nên đưa ra một mức giá riêng cũng là điều dễ hiểu, bởi đó được xem là chi phí để doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ xử lý, nâng cao chất lượng của thịt lợn.
Phân chia lợi nhuận không đều
Thực tế, giá lợn hơi ở mức thấp trong khi giá thịt lợn bán lẻ cao hơn 3-4 lần là nghịch lý diễn ra nhiều lần trong nhiều năm qua. Song, dường như đến nay, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT) vẫn chưa có giải pháp nào để phân chia lợi nhuận hợp lý cho các khâu của ngành chăn nuôi.
Với mức giá cao như vậy, ngành chăn nuôi trong nước lại càng khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho rằng, người chăn nuôi lợn đã rơi vào cuộc khủng hoảng thừa của năm 2017. Vẫn biết rằng đã chăn nuôi thì phải chấp nhận quy luật cung - cầu thị trường, ảnh hưởng từ yếu tố khách quan như dịch COVID-19. Song, Nhà nước cũng cần phải hạn chế nhập khẩu thịt lợn để cứu ngành chăn nuôi trong nước.
Theo ông Đoán, thực tế ngay cả với nhiều hộ chăn nuôi dù liên kết với doanh nghiệp chế biến, song giá xuống thấp thì doanh nghiệp cũng mua theo giá thị trường, chứ không có chuyện mua hơn quá nhiều. Liên kết ở Việt Nam không giống như ở nước ngoài là chia đều lợi nhuận cho người chăn nuôi, giết mổ và bán lẻ, dẫn tới người chăn nuôi lỗ vẫn cứ lỗ.
Người chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết nhưng thực tế chuỗi đó là của công ty, doanh nghiệp đó thôi chứ không phải là chuỗi của người dân. "Khi giá thịt lợn tăng cao, lợn hơi ở mức 90.000 đồng/kg thì cơ quan quản lý họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn yêu cầu hạ giá xuống. Vậy, giờ giá lợn hơi xuống thấp thì ai sẽ cứu hộ chăn nuôi nhỏ?", ông Đoán nêu vấn đề.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco than phiền, với giá bán chỉ từ 30.000 - 33.000 đồng/kg lợn hơi như hiện nay, doanh nghiệp này đang phải chịu cảnh cứ bán ra một con lợn là lại lỗ mất một con.
Trước tình hình hiện nay, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, tuy đặt mục tiêu vẫn đảm bảo thu nhập của người sản xuất nhưng phải duy trì giá ổn định ở mức thấp để đảm bảo an ninh lương thực, điều kiện dinh dưỡng cho người thu nhập thấp. Muốn làm được như vậy cần sự tham gia chia sẻ lợi ích của các doanh nghiệp lớn trong các khâu từ sản xuất (giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...) đến giết mổ, chế biến và phân phối (hệ thống lưu thông, bán lẻ).
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lượng nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ tiếp tục tăng nhanh, do các nước xuất khẩu lớn như EU, Brazil... dư thừa về sản lượng (thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc giảm nhập khẩu) có giá rẻ hơn so với giá thành sản xuất của Việt Nam. Về giá sẽ vẫn duy trì ở mức thấp do thị trường trong nước liên thông với thị trường nước ngoài.
Thực tế, giá lợn hơi ở mức thấp trong khi giá thịt lợn bán lẻ cao hơn 3-4 lần là nghịch lý diễn ra nhiều lần trong nhiều năm qua. Song, dường như đến nay, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT) vẫn chưa có giải pháp nào để phân chia lợi nhuận hợp lý cho các khâu của ngành chăn nuôi.
Lê Thúy