Khảo sát thị trường cho thấy, giá lợn hơi ngày 10/9 tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong đó, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Mức giá thu mua lợn hơi cao nhất 52.000 đồng/kg ở tỉnh Hưng Yên và Thái Nguyên, mức giá thấp nhất là 49.000 đồng/kg tại tỉnh Tuyên Quang.
Giá lợn hơi hôm nay ở một số địa phương đã giảm xuống mức dưới 50.000 đồng/kg. |
Tương tự, giá lợn hơi tại miền Trung - Tây Nguyên hôm nay ổn định trong khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, thương lái 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Ninh Thuận đang thu mua với giá 54.000 đồng/kg, là mức cao nhất khu vực.
Thị trường lợn hơi khu vực miền Nam ghi nhận điều chỉnh từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một vài nơi, trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, Bạc Liêu hiện giao dịch tại mốc 48.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với hôm qua.
Trong khi đó, Bến Tre điều chỉnh tăng giá lợn hơi 1.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg, dẫn đầu khu vực cùng với Vũng Tàu, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Tiền Giang. Các tỉnh còn lại không chứng kiến thay đổi mới, duy trì giao dịch trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, việc duy trì các hoạt động sản xuất ở các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ, dịch vụ hậu cần ngành chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu "3 tại chỗ" khi tăng cường giãn cách xã hội đã làm tăng giá thành, giảm giá bán, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.
Do nhu cầu giảm, lưu thông hàng hóa còn khó khăn nên sản phẩm thịt gà công nghiệp lông trắng quá lứa, quá thời gian nuôi ứ đọng sản xuất dẫn đến thiếu chuồng trại để tái đàn. Giá tiêu thụ sản phẩm rất thấp, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi giá giá thành 27.000 - 29.000 đồng/kg.
Bộ NN&PTNT cho biết, hình thức chăn nuôi trang trại vẫn cơ bản duy trì được tốc độ tăng trưởng trong khi có dịch, nhưng hình thức chăn nuôi nông hộ giảm nhiều, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát, rớt giá sản phẩm, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh hiện hữu. Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do nhu cầu tiêu thụ tăng từ 10-20%.
Hiện trạng khó khăn cho sản xuất nông nghiệp vừa qua nếu chưa được cải thiện và còn kéo dài thì sẽ gây đứt gẫy chuỗi sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và nguy cơ thiếu sản lượng, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong các tháng cuối năm là rất lớn.
Thy Lê